Q1 - Chương 023: Vân Chiêu tự chuốc khổ vào thân.

Minh Thiên Hạ

Kiết Dữ 2 20-12-2022 01:03:02

Có rất nhiều chuyện mà một người mang tư duy hiện đại như Vân Chiêu không thể hiểu được. Đại hộ kỳ thực không hề sợ thương cổ, không sợ quan phủ, mà bọn họ sợ nông dân. Đối với những nông dân, đại hộ vĩnh viễn mang theo sự cảnh giác. Mà thực ra thì không chỉ đại hộ, mà cả quan phủ, thậm chí cả thương cổ cũng thế... Vì vậy mà sự cảnh giác diễn ra thời gian dài dễ biến thành bóc lột tàn khốc, cuối cùng dẫn tới thúc đẩy sự diệt vong của một thời đại. Vẻn vẹn nhìn từ các triều đại đa phần là bị hủy trong khởi nghĩa nông dân là nhìn ra được, nông dân mới là kẻ khống chế tuyệt đối thế giới này. Bọn họ tự có giá trị quan riêng, có nhận thức của mình về thế giới, lúc thì ấm áp tới mức làm người ta rơi lệ, khi thì tàn khốc khiến người ta lạnh lưng. Lúc ngoan ngoãn vâng lời tới mức làm người ta phải giận họ kém cỏi, lúc thì lại hung dữ như ngọn lửa, đi tới đâu hủy diệt tới đó. Tất cả mọi người đều biết loạn thế sắp tới, nhưng không ai hiểu hơn Vân Chiêu, ngày tháng sắp tới sẽ tàn khốc đáng sợ cỡ nào. Đây là một đám người thân mang chí bảo mà lại không tự biết. Nhà Vân Chiêu gần như là một đại tộc kiểu tự cấp tự túc điển hình, nếu muốn xây dựng nhà, có thể dễ dàng tìm được thứ cần thiết ở Vân thị. Chỉ là, xây nhà như thế nào? Một đám thiếu niên ngồi trên mảnh đất trống vừa dọn ra của nhà Vân Thư, Vân Quyển, đối diện với đống vật liệu xây nhà mà thộn mặt không biết phải bắt đầu từ đâu, đám người lớn xung quanh chỉ trỏ cười cợt. Đang vô kế khả thi thì Từ tiên sinh dẫn con chó vàng thong thả đi tới, nách ông ta kẹp một cuốn sách, không thèm để ý tới đám học sinh đứng lên thi lễ, bước thẳng qua mặt chúng, chỉ là không cẩn thận để rơi một cuốn sách. Vân Chiêu nhanh chóng nhặt sách lên, mắt tiễn tiên sinh đi xa mới xem tên sách ( Cách thức xây dựng)! Thế nhưng y chẳng kịp mừng, lật xem một lúc, thấy đầu óc thậm chí còn u mê hơn trước... Cổ nhân giảng giải kỹ thuật không chỉ nói cho đàng hoàng, quá nhiều thứ cần trí tưởng tượng mới hình dung được. Còn may có hai tờ giấy trong sách rơi ra, trên đó có bản vẽ đẹp mắt. Vân Chiêu lại cám ơn đôi mắt trí tuệ của mẹ, lần nữa cám ơn một vạn lượng không tồn tại của mình, sau đó gọi đám trẻ con tới, dựa theo các bước trên bức tranh, bắt đầu xây nhà. Khi trời tối một đám thiếu niên lấm lem bẩn thỉu bụng reo ùng ục chẳng có cái gì ăn nhưng đứa nào đứa nấy vui vẻ phấn chấn, ai về nhà nấy, chỉ để lại Vân Quyển, Vân Thư muốn trông nhà mình. Từ khi cột trụ đầu tiên được đóng chắc xuống đất, hai huynh đệ nhà này liều mạng làm việc, rõ ràng là đã đói tới mờ mắt, bọn chúng vẫn cắn răng kiên trì... Bọn chúng rất muốn một căn nhà thuộc về mình, sẵn lòng vì nó mà hi sinh tất cả. Vân Chiêu về tới nhà thì đã biến thành người bùn rồi, ngay cả hai con ngan cũng chê y bẩn thỉu, không thèm mổ. Ngồi ở ngưỡng cửa cởi quần áo ướt, Vân Chiên mệt mỏi cực độ. Mẹ đi tới tay cho y bộ quần áo sạch sẽ, nhìn nhi tử một lượt, sau đó lau mặt cho y như lau dưa hấu, từ thủ pháp lau dưa hấu của mẹ, Vân Chiêu có thể cảm thụ được mẹ giận dữ thế nào. " Tư vị trộm đồ chính nhà mình thế nào?" " Đang yên lành thì chuốc lấy một bụng tức ạ." " Sao, biết mình thiệt rồi à?" " Không thiệt ạ, chỉ cần xây nhà lên rồi, sau này con muốn huynh đệ Vân Quyền làm cái gì, bọn chúng sẽ làm cái đó, chắc là có thu hoạch lớn." " Nếu một mực ban ơn cho người ta, chỉ nuôi ra được đám vô ơn bội nghĩa, còn phải biết đầy đủ ân uy hiểu chứ?" Vân Nương tựa cười tựa không nói: " Thế nên mẹ sẽ giúp con một tay đây, chuẩn bị ăn đòn chưa, lần này mẹ không nương tay đâu đấy." Vân Chiêu nuốt nước bọt, biết không thoát mà, tranh thủ chút an ủi tâm lý: " Mẹ, nhớ đánh Vân Dương nặng vào nhé, hôm nay hắn làm việc hơi lười." " Ừ, biết rồi." Vân Nương bế nhi tử mệt mỏi lên giường, Vân Chiêu nhìn cơm tối của mình chỉ biết thở dài, một bát cơm gạo kê và dưa muối. Sau khi tiêu hao lượng lớn thể lực, hỗ trợ rất tốt cho việc tiêu hóa, đối với loại cơm gạo kê ăn chẳng có vị gì, hơn nữa lại có hại cho cổ họng, Vân Chiêu chén liền hai bát. Ăn no rồi Vân Chiêu thở ngắn than dài, rõ ràng mình là đại thiếu gia nhà địa chủ, há mồm có cơm, dang tay có áo, tuổi còn nhỏ vì sao phải chịu tội sống như thế. Nhìn mẹ đích thân bê nghiên mực bút giấy tới, Vân Chiêu lại thở dài lần nữa, xưa nay muốn đứng trên người khác, thực sự không có con đường tắt. Tiên sinh thường nói, phải bình tâm tĩnh khí, thế mới viết ra được chữ đẹp, phải có lòng tôn kính với văn tự, mới viết ra được văn hay. Những lời đó Vân Chiêu nghe vào tai rồi, nhưng làm lại rất khó, ưỡn ngực thẳng lưng ngồi hai canh giờ, đối với con người mà nói đây là một sự dày vò, càng chẳng nói tới trẻ con như y, nếu như không phải nghĩ tới uy hiếp sau này y không chịu nổi một canh giờ, nếu chỉ chút khó khăn này không đối diện được thì còn gì để nói nữa. Bình tâm tĩnh khí, đó là yêu cầu lớn nhất của tiên sinh với Vân Chiêu, cho nên viết xong một trăm lần Tam tự kinh, còn phải viết một trăm lần Bách gia tính và Thiên tự văn. Như lời tiên sinh nói thì trẻ con càng thông minh thì càng cần phải rèn sự kiên nhẫn, như thế mới thành tài được. Lúc đêm xuống, mưa rơi rả rích suốt mấy ngày cuối cùng cũng ngừng lại, sau khi mây đen bị gió thổi tan, bầu trời xanh liền lộ ra, nhưng chẳng bao lâu lại biến thành màu mực tối đen, đợi Vân Chiêu viết xong bài tập, bầu trời đã thành dải lụa gấm đen khảm bảo thạch. Hoa hạnh ngoài cửa sổ đang rơi rụng, một số bị gió đưa tới bàn của Vân Chiêu, có cánh hoa rơi vào nghiên mực, càng có một số ôn nhu rơi vào lòng dán lên làn da non mịn của y. Cành hoa hạnh mà mẹ mới thêu chưa rụng, chỉ là màu sắc có hơi dại, thứ không có sinh mệnh, nói cho cùng chẳng thể đem ra tính. Vân Chiêu thu dọn bút giấy, đi tới chum hứng mưa ngoài cửa rửa bút lông. Nước mưa lạnh buốt, đêm tối không nhìn rõ màu mực chảy ra, Vân Chiêu phải rửa vài lần mới yên tâm, đôi bàn tay nhỏ nhắn lạnh cóng hết. Phúc bá vẫn hút tẩu thuốc của ông ấy, đốm lửa trong đêm lúc sáng lúc tắt, giống như con đom đóm lớn, đó là thói quen của ông ta, mỗi ngày chưa tới giờ Tý ( 11 pm - 1am) thì ông ta chưa đi ngủ. " Phúc bá, có thể kể cho ta nghe chuyện về Lưu Tông Mẫn không?" Trong bóng tối không rõ vẻ mặt của Phúc bá, giọng hoài niệm xa xăm truyền tới:" Đó là một thợ rèn chất phác, trên có cha mẹ già, nghèo lắm, chưa thành thân, muốn tới nhà chúng ta bán nghệ kiếm tiền, cưới lão bà, có gì mà nói chứ?" Vân Chiêu không nghĩ Phúc bá nhìn nhầm người, ông già này có cặp mắt sắc bén, cảm thán:" Con người có thể thay đổi, đúng không?" " Đương nhiên rồi, năm xưa lão nô chỉ định ở lại Vân thị mười năm, báo đáp lại ân tình của lão tướng quân, ai ngờ bất tri bất giác ở lại hai tư năm trời. Trước kia còn muốn đi theo đao khách, một mình một đao tới Tây Khẩu, tới Tây Vực, giờ tuổi cao rồi, không có tâm tư đó nữa." " Phúc bá, ta muốn theo ông học đao." " Ha ha ha, lão nô sớm nhìn ra tiểu thiếu gia muốn học rồi, nhưng một năm nữa đi, giờ thân thể thiếu gia chưa lớn, đợi lớn lên rồi, ắt sẽ dạy người." Nói tới đó đốm lửa bị tắt, Phúc bá không nói gì thêm, Vân Chiêu nghe thấy tiếng bước chân loẹt xoẹt của ông, ông già này cứ đi quanh viện tử kiểm tra một vòng mới ngủ được, nhờ sự cảnh giác đó cô nhi quả mẫu họ mới bình an nhiều năm.