Gió núi lạnh lẽo lướt qua khu rừng, cành khô, phát ra tiếng vang ù ù.
Trên con đường nhỏ lát đá xanh, Hứa Thất An nghiêng đầu, nhìn Hứa Tân Niên tóc tai áo quần đều đang bay phần phật, cái tên đường đệ này có vẻ ngoài đúng là làm cho người ta đố kỵ, cứ như trích tiên hạ phàm.
Hứa Tân Niên chỉ thác nước phía xa, giới thiệu: "Đó là nơi ngộ đạo của một vị tiền bối trong thư viện. Bên cạnh thác nước có một tấm bia đá, ghi lại cuộc đời của vị tiền bối đó."
Mùa đông thiếu nước, nên thác nước kia rất là nhỏ yếu, dòng nước nho nhỏ chảy vào đầm, nước trong veo thấy cả đáy.
Bên bờ đầm có một tấm bia, vẽ hình một người khoanh chân ngồi tĩnh tọa, viết về sự tích cuộc đời của một người tên gọi Tiền Chung. Người này, sống vào sáu trăm năm trước, cùng thời kì Đại Phụng bắt đầu khai quốc.
Lúc đó, quân vương tiền triều mắt hoa tai điếc, quan lại tham ô mục nát, coi dân chúng như thịt cá để xà xẻo, dẫn tới tứ bề bất ổn, phản quân cát cứ khắp nơi.
Triều đình Đại Chu khi ấy lâm vào trận chiến giằng co suốt mấy chục năm với phản quân các nơi, người dân sống ở tầng chót xã hội vô cùng khốn khổ.
Nhị phẩm Đại Nho cảnh Tiền Chung, ra ngoài du lịch ba năm, nhìn thấy dân chúng lầm than, thì vô cùng phẫn nộ, mang theo oán than dậy đất đến kinh thành Đại Chu, dùng máu thịt của mình phá hủy vận mệnh quốc gia không còn bao nhiêu của Đại Chu.
Sau đó Đại Phụng lập quốc, bình định chiến loạn, bốn biển an khang.
"Đại Nho cảnh lợi hại tới như vậy?" Hứa Thất An không tin: "Sao ta không nhìn thấy hai chữ 'trâu bò' đó trên người ba vị đại nho?"
Hứa Tân Niên không hiểu "trâu bò" là gì, nhưng chắc chắn là một từ ngữ thô bỉ, nhớ vì đại ca mới vừa có công làm thơ, mới nhịn xuống, không mỉa mai hắn, đáp:
"Ai bảo với huynh mấy người lão sư là nhị phẩm Đại Nho cảnh? Họ chỉ là tứ phẩm Quân Tử cảnh thôi."
Hứa Thất An không tin được: "Thế mà còn có mặt mũi tự xưng là Đại Nho?"
Hứa Tân Niên ngồi xuống bờ đầm, rửa tay, giải thích: "Từ Đại Nho có hai nghĩa. Một là chỉ những người đọc sách có học vấn thâm sâu và có danh vọng, hai là chỉ Nho đạo nhị phẩm cảnh. Đại nho ở học viện chúng ta thuộc về ý trước."
Mang theo oán thán phá tan số mệnh một quốc gia, dù số mệnh của vương triều ấy những năm cuối có bị suy yếu, thì vẫn không phải việc mà sức người làm được. Nho đạo nhị phẩm cảnh mạnh tới cỡ này?! Vậy, nhất phẩm thì tới mức nào nữa?
Hứa Thất An lâm vào trầm tư, hồi lâu sau, mới hỏi với giọng cung kính: "Thư viện Vân Lộc có nhị phẩm Đại Nho không?"
Hứa Tân Niên lắc đầu, tiếc nuối: "Hai trăm năm nay, cao nhất chỉ ra được tam phẩm, Đại Nho tam phẩm là Lập Mệnh cảnh, hôm đó, lúc tiễn đưa Tử Dương cư sĩ, ta nghe lão sư nói chuyện mới biết viện trưởng của Học viện chúng ta là tam phẩm Lập Mệnh."
Giọng Hứa Thất An lập tức trở nên nhẹ nhàng, dễ nghe hơn hẳn, bình phẩm: "Cũng không tệ lắm."
Tính tình ba lão tiên sinh kia có vẻ hơi thái quá và không đứng đắn, không có sự trầm ổn và nghiêm túc. Hứa Thất An bày tỏ ý kiến đánh giá của mình cho Nhị Lang nghe.
Nhị Lang trầm ngâm: "Hồi trước họ không vậy đâu. Kế sau Quân Tử cảnh là tam phẩm Lập Mệnh cảnh. . . . . Chuyện này chắc có liên quan với Lập Mệnh cảnh."
"Ừm, Tử Dương cư sĩ hồi xưa cũng vậy, tới dạo gần đây bỗng nhiên tính tình thay đổi, cứ như biến thành một người khác. Ta nghe lão sư nói, Tử Dương cư sĩ chỉ kém nửa bước nữa là sẽ thành Lập Mệnh."
Hai huynh đệ đi dạo không mục đích, Hứa Tân Niên dẫn hắn đi thăm những danh thắng di tích cổ, là một học viện có lịch sử một nghìn hai trăm năm, nếu không phải bình thường cấm người không phận sự đi vào, quấy rầy học sinh đọc sách, núi Thanh Vân nhất định sẽ trở thành một điểm du lịch du khách dập dìu.
"Đại ca. . . ." đang đi, bỗng Hứa Tân Niên khẽ gọi.
Hứa Thất An ngừng chân nhìn hắn.
Hứa Tân Niên nhìn hắn một cái, rồi quay mặt đi, giả vờ mình đang xem phong cảnh: "Hôm qua ta đã nghĩ rất lâu, nếu không nhờ huynh, phụ thân đã bị vấn trảm, nữ quyến sung nhập vào Giáo Phường Ty."
"Nếu không nhờ huynh, hôm qua Linh Nguyệt muội muội đã gặp nguy hiểm, rất có thể đã bị họ Chu khi dễ."
"Nếu không nhờ huynh, có lẽ Hứa gia vẫn còn đắm chìm trong cảm giác may mắn sống sót sau tai nạn, sau đó có một ngày, bỗng nhiên bị diệt môn."
Nói xong, hắn bước nhanh lên phía trước, đi cả mười thước, mới ỉm ỉm buột ra một chữ: Cám ơn!...
Á Thánh Học Cung.
Hứa Thất An theo đường đệ leo lên bậc thang, lướt qua lư hương tiến vào trong điện. Đi qua mái vòm hình trụ sơn đỏ cao bảy mét, bên trong học cung thờ Á Thánh, người sáng lập ra thư viện Vân Lộc.
Trong ánh nến mảnh mai, Á Thánh mặc nho sam vạt cân màu xanh, đầu đội nho quan cao cao, một tay chắp sau lưng, một tay đưa lên trước bụng, mắt nhìn ra phương xa.
Bên cạnh Á Thánh là một con bạch lộc (nai trắng) vô cùng đẹp đẽ sinh động, trên lớp lông trắng mơ hồ nhìn thấy hoa văn hình mây.
Hứa Tân Niên chỉ con bạch lộc, nói: "Nó chính là nguyên nhân khiến thư viện có tên Vân Lộc."
Hứa Thất An: "Người đọc sách đúng là lịch sự tao nhã, dùng bạch lộc làm tọa kỵ."
Hứa Tân Niên liếc đường huynh, cải chính: "Không phải tọa kỵ, là thê tử."
"! ! !" Hứa Thất An dòm kĩ Á Thánh lần nữa, lẩm bẩm: "Cũng có khác gì đâu."
Dù sao cũng là để cưỡi mà. . . nhưng những lời này hắn không dám nói.
Hứa Tân Niên như biết đường huynh đang nghĩ cái gì: "Trong《 Vân Lộc chí 》của thư viện có ghi, con bạch lộc này là yêu, sau khi được nghe Thánh Nhân giảng kinh điển, thì hóa hình thành người, liền làm bạn đi theo Á Thánh, một người một yêu ở chung với nhau từ nhỏ, tình cảm sâu đậm, kết làm phu thê."
"Thuở ấy, người ta không cho phép người với yêu có tình cảm... đến bây giờ cũng vậy, nhưng Thánh Nhân sau khi biết, ngài không chia rẽ hai người họ, ngược lại còn khen, ban hôn sự cho họ, Thánh Nhân nói: tình yêu là vô hạn, chỉ cần có tình, người với yêu cũng có thể sống mãi bên nhau."
Từ xưa tình cảm giữa người với yêu đều được gắn biệt hiệu, như vong linh kỵ sĩ; thảo mãng anh hùng; thiên nhân hợp nhất. Thế, biệt hiệu của Á Thánh này là cái gì?
Chỉ hươu bảo ngựa. . . . Bạn gái ngựa? Hứa Thất An chắp tay vái tượng Á Thánh.
Trong lúc Hứa Tân Niên cung kính hành lễ với Á Thánh, Hứa Thất An quét mắt khắp điện, phát hiện hai bên đại điện mỗi bên đều có một tấm bia đá cao bằng người.
Một tấm để trống, một tấm có khắc chữ viết.
Hắn đi tới chỗ bia, lẩm nhẩm đọc: "Trượng nghĩa tử tiết báo quân ân, lưu hương bách thế vạn cổ danh —— Trình Hối."
Chữ viết rất đẹp, không phiêu dật không viết ngoáy không khoa trương, mang lại khí thế quân tử công chính mạnh mẽ.
"Cái này do vị Á Thánh của Quốc Tử Giám kia lưu lại." Hứa Tân Niên đi tới, đứng cạnh đường ca nhìn tấm bia đá.
"Quốc Tử Giám Á Thánh. . . . phải rồi, ta vẫn chưa hiểu rõ lắm tình hình ân oán giữa Quốc Tử Giám với thư viện Vân Lộc." Hứa Thất An rất là hứng thú, trong mắt hiện rõ hai chữ "ăn dưa".
Hứa Tân Niên nhìn quanh, thấy xung quanh vắng lặng, mới nói nhỏ: "Chuyện này là từ vụ tranh giành nền tảng lập quốc hai trăm năm trước."
"Tranh giành nền tảng lập quốc?" Dù Hứa Thất An mù tịt về lịch sử, nhưng vẫn hiểu tranh giành nền tảng lập quốc là cái gì.
Thái Tử, chính là căn bản lập quốc!
Tranh giành nền tảng lập quốc nghĩa là giành nhau vị trí Thái Tử.
"Lúc ấy Nhân Tông tại vị, vị trí Thái Tử bỏ trống hơn mười năm, hai hoàng tử không ai thua ai. Một người là trưởng tử, một người là thứ tử do quý nhân sinh ra. Quý nhân kia rất là vũ mị kiều diễm, rất được Nhân Tông sủng ái.
"Nhân Tông muốn đưa thứ tử lên làm Thái Tử, bị cả triều đình văn võ phản đối. Nhân Tông nhiều lần hạ chỉ, nhưng đều bị nội các bác bỏ, giữ lại không phát, lúc ấy, người dẫn đầu cả triều văn võ, là người của thư viện Vân Lộc.
"Lập trưởng không lập ấu, lập đích không lập thứ, là quy củ từ xưa đến nay, dù là Hoàng Đế cũng không thể vi phạm. Đại ca, huynh nói rất đúng, lễ chế chính là Đồ Long thuật mà người đọc sách thường dùng."
"Cuộc tranh đấu đó, không ai chịu thua ai, giằng co suốt sáu năm, suốt thời gian ấy, thủ phụ nội các thay đổi bốn người, quan viên trong triều cũng thay đổi rất nhiều, lượng quan viên thay đổi trong kinh và địa phương hơn hai trăm người."