Bảo Vũ lục lọi túi quần, rồi lại tìm kiếm trong cặp sách, dưới ngăn bàn nhưng vẫn không thấy. Cậu quay sang hỏi Tuấn Trường:
- Mày có mượn điện thoại của tao đâu không?
Tuấn Trường lắc đầu:
- Tao không! Tao có mượn đâu!
Bảo Vũ vẻ mặt lo lắng vô cùng, quay xuống hỏi xem có ai mượn điện thoại của mình không. Nhưng mọi người đều lắc đầu. Thấy dưới lớp xôn xao, ồn ào. Thầy Trần bước xuống, hỏi:
- Anh chị có chuyện gì mà ồn ào như cái chợ vỡ thế?
- Em thưa thầy. Bạn Bảo Vũ bị mất điện thoại ạ! - Tuấn Trường đứng lên, thưa.
Rồi thầy quay sang Bảo Vũ, hỏi:
- Anh nhớ là mình để đâu không?
- Em nhớ là em cất trong cặp sách, sau đó là em đi xuống sân trường chơi! Rồi giờ lên thì em không thấy đâu nữa!
- Anh thử gọi vào số máy anh chưa? - Thầy hỏi
- Em gọi rồi. Nó báo thuê bao ngay lập tức thầy ạ! Rõ ràng máy em vẫn còn đầy pin!
Thầy gật đầu biết là đã bị trộm rồi. Chứ nếu để quên ở đâu và điện thoại không tắt nguồn thì vẫn phải tut tut một hồi rồi mới báo thuê bao. Sau đó thầy đứng ra giữa lớp, lớn tiếng:
- Bạn Vũ lớp mình đang bị mất điện thoại. Cả lớp cho bạn lục cặp sách nào! Không làm không phải sợ!
Nghe thầy nói vậy, cả lớp cũng chỉ biết đồng ý. Đám bạn bắt đầu đặt cặp sách của mình lên bàn để cho Bảo Vũ kiểm tra. Bảo Vũ quay sang nhờ Tuấn Trường đi kiểm tra cùng mình. Cả hai đi từng bàn một, lục lọi mọi ngóc ngách của chiếc cặp sách. Lợi dụng lớp có chuyện này, học sinh lại bắt đầu nháo nhào, trò chuyện.
Sau khi đã lục lọi hết sạch vẫn không thấy chiếc điện thoại đâu. Gương mặt Bảo Vũ ủ rũ, sợ hãi. Anh sợ bố mẹ mà biết sẽ chửi anh té tát, có khi còn cho anh mấy gậy nữa. Anh hoang mang nhìn mọi người một lượt, không biết giải quyết ra sao nữa.
- Thôi Bảo Vũ em về chỗ ngồi đi! Để thầy giải quyết!
Bảo Vũ gật đầu rồi lững thững bước về chỗ. Tuấn Trường ở bên cạnh không ngừng an ủi. Thầy Trần lấy thước gõ mạnh lên bàn một cái, lập tức cả lớp im lặng. Thầy đứng ra giữa bục giảng hỏi:
- Vừa nãy lớp mình có bạn nào ở trong lớp không?
- Nhiều lắm thầy ạ! Nhiều lắm! - Tiếng học sinh nhao nhao.
Thầy gật đầu, gõ một tiếng nữa. Rồi thầy hỏi tiếp:
- Thế có bạn nào thấy có ai ở gần chỗ của Bảo Vũ không?
- Tuấn Trường ạ! - Giọng nói của một cậu học sinh vang lên.
Nghe thấy người nói mình, Tuấn Trường nhẹ nhàng đứng dậy giải thích rành rọt:
- Thì em và bạn Vũ ngồi cạnh nhau. Nên ra chơi em ngồi gần cũng chẳng phải điều lạ gì. Em chỉ ngồi chỗ của mình thôi! Và một lúc sau em còn đi ra ngoài với Bảo Vũ mà thầy!
Thầy Trần đưa mắt nhìn Bảo Vũ, thấy anh gật đầu xác nhận thầy mới đồng ý rồi bảo Tuấn Trường ngồi xuống. Đoạn thầy đi đi lại lại, như thể ngẫm nghĩ gì đó, rồi hỏi tiếp:
- Nghe bạn Bảo Vũ nói thì bạn ấy bị mất điện thoại lúc giờ ra chơi. Mà cho tôi hỏi, giờ ra chơi có lớp khác vào lớp mình không?
- Không ạ! - một nhóm học sinh đồng thanh lên tiếng.
Thầy Trần gật đầu, rồi kết luận:
- Vậy khả năng cao kẻ trộm chỉ có trong lớp mình! Mà lớp mình đã bao giờ xảy ra mấy vụ này chưa?
Thầy nhìn xuống dưới lớp thì thấy ai cũng lắc đầu, một vài học sinh nói:
- Chưa ạ!
Thầy ngồi xuống ghế, ngẫm nghĩ một hồi, đoạn lên tiếng:
- Hay bây giờ thế này! Việc này nội bộ của lớp. Chớ nói ra bên ngoài! Tôi sẽ thông báo với cô giáo chủ nhiệm của lớp này. Bây giờ thì các anh, các chị hãy lấy một mảnh giấy, rồi viết tên người mình tình nghi vào đây! Sau đó cuối tiết nộp lên cho tôi. Nhớ không được để ai biết mình viết ai!
Nghe lời thầy, cả lớp bắt đầu xé một mảnh giấy, ngẫm nghĩ rồi viết.
Trong đầu thầy Trần đã tính toán cả rồi. Ai có số phiếu nhiều thì thầy sẽ chú ý hơn đến người đó. Bởi vì những người đó đã có cái nhìn không tốt trong mắt nhiều học sinh. Và họ đã làm gì để nhiều người không ưa? Chắc chắn đều có nguyên nhân cả. Và như vậy thì phạm vi cũng sẽ được thu hẹp, tóm gọn trong một vài người. Điều đó cũng thuận lợi hơn trong việc điều tra.
Và tại sao thầy không bảo những người không tình nghi ai thì không phải viết hoặc viết không biết? Đó là bởi vì thầy đoán chắc là như vậy chủ yếu là học sinh lớp này sẽ đều viết không biết, bởi vì bản thân không muốn xen vào những chuyện này, hoặc có thể là họ không biết thật. Và khi họ không biết viết ai thì rất có thể bạn của họ sẽ rủ rê họ viết người nào đó. Và khi họ đã không biết thì có thể sẽ nghe theo những người có chứng kiến. Như vậy phạm vi điều tra cũng được khoanh vùng ở những đối tượng tình nghi.
Trước mắt thầy cứ tính như vậy đã. Nếu những người có số phiếu nhiều mà đều không phải là hung thủ thì thầy sẽ có cách khác.
- Mày viết ai thế? - Tuyết Lan quay sang hỏi Bích Ngọc.
- Tao cũng chưa biết nữa! - Bích Ngọc nhìn quanh lớp, cắn bút ngẫm nghĩ.
- Tao nghĩ là thằng Tạ Hoài á! - Tuyết Lan nhìn về phía một cậu học sinh đang cười đùa, khẽ thì thầm bên tai Bích Ngọc
- Sao mày nghĩ vậy? - Bích Ngọc cau mày khó hiểu hỏi.
- Thì mày nghĩ mà xem! Trong lớp mình có nó cá biệt nhất! Chả nó thì ai! - Tuyết Lan nói chắc như đinh đóng cột.
Nghe vậy Bích Trâm chỉ biết lắc đầu:
- Chưa có bằng chứng thì đừng vội kết luận!
Thầy nói là không cho ai biết mình biết ai, nhưng đâu phải tất cả học sinh đều làm vậy. Có một nhóm học sinh còn rủ nhau viết người này, người kia cũng vì một lí do rất đơn giản. Đó là họ ghét thì họ viết! Có bạn thấy một người rất đáng nghi nhưng lại không dám viết, bởi lẽ họ sợ bị người kia phát hiện rồi lại đánh mình, rồi đành cắn bút viết theo bạn bè của mình. Bên cạnh đó cũng có một vài bạn ngẫm nghĩ, xem xét rồi đưa ra kết luận của chính bản thân.
Khoảng chừng 15 phút sau, thầy yêu cầu học sinh nộp lại phiếu. Sau khi đã đi thu hết một lượt, thầy mới ngồi về chỗ kiểm phiếu, nhìn lướt qua một vài học sinh, sau đó ngồi ngẫm nghĩ.
Còn về phía của Tuấn Trường, anh không ngừng quay sang an ủi và cùng với Bảo Vũ đưa ra những bàn luận và cố gắng tìm cách giải quyết. Họ hỏi bàn trên, bàn dưới xem là những người ấy đang làm gì trong giờ ra chơi. Nhưng tất cả bọn họ đều tìm được bằng chứng ngoại phạm. Mọi thứ đều rơi vào bề tắc.
Tâm trạng của Bảo Vũ lúc bấy giờ buồn bã, tiếc nuối và hơn hết là cậu sợ bố mẹ mình phát hiện là chiếc điện thoại của cậu nay đã ở trong túi một người khác. Không biết cậu sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nỗ ra sao? Còn chưa nói đến những người bạn qua mạng của cậu nữa, tuy không gặp nhau ngoài đời nhưng họ luôn mang lại cho cậu cảm giác an toàn, tâm sự với cậu mỗi đêm, mỗi lúc buồn bã, chán nản. Và thứ làm được điều đó là chiếc điện thoại. Mà bây giờ điện thoại đã mất rồi, thì cậu lấy gì liên hệ với họ đây?
Có lẽ đã quen với việc dùng điện thoại, nên giờ mất đi, Bảo Vũ cảm thấy cuộc sống mình trống vắng, u sầu. Dường như đã mất đi một thứ gì đó rất quan trọng đối với cậu. Và chính điều ấy lại càng khiến sự khát khao, mong muốn tìm thấy điện thoại trong cậu dâng lên. Bảo Vũ gạt bỏ những suy nghĩ u sầu, sợ hãi mà quyết tâm phải kiếm lại được nó.
Buổi học hôm ấy cứ thế trôi qua cùng với sự bàn tán, xôn xao của đám học sinh. Sau mấy tiết thảo luận cùng với Tuấn Trường. Bảo Vũ cũng đã chắc chắn đưa ra những đối tượng tình nghe cho bản thân mình. Thật ra lúc thầy Trần bảo viết thì Bảo Vũ cũng đã nghi ngờ hắn ta nên viết vào, nhưng chưa chắc chắn. Và cho đến bây giờ cậu mới dám khẳng định hắn là kẻ tình nghi, và cậu cũng tìm được một vài người khác nữa.
- Mày biết ai chưa? - Tuyết Mai đeo cặp sách, rồi chạy tới hỏi Bảo Vũ
- Mày hỏi ngu thế! Biết là ai thì cần gì phải điều tra nữa! - Tuấn Trường cau mày vì câu hỏi ngu ngơ của Tuyết Mai.
Ngọc Bích thở dài một tiếng, đoạn vỗ vai Bảo Vũ:
- Thôi mày đừng lo lắng nữa làm gì. Giờ mày lo lắng cũng không lấy lại điện thoại được đâu. Bọn tao sẽ cố gắng điều tra cùng mày!
Vân Linh gật đầu đồng tình. Cả đám bạn đợi cả lớp đã về hết mới thảo luận. Bảo Vũ chạy ra đóng cửa hết cửa lại như sợ ai nhìn thấy, đoạn anh hất cằm hỏi mọi người:
- Chúng mày nghĩ ai lấy điện thoại của tao?
- Tao nghĩ là thằng Tạ Hoài. Nó cá biệt thế, hơn nữa nhà nó nghèo...
- Nhà hoàn cảnh và nó cá biệt thì đã làm sao? Mày có bằng chứng nào không mà kết tội nó thế? Tao đã bảo rồi chưa có bằng chứng cụ thể thì đừng có kết luận mà! - Vân Linh bực bội cắt ngang lời của Tuyết Mai vì suy nghĩ nông cạn của cô nàng.
Ngọc Bích gật đầu đồng ý với ý kiến của Vân Linh:
- Tao thấy con Linh nói đúng đó! Tao không nghĩ thằng thằng Hoài đâu. Nó có ở trong lớp thật, nhưng tao thấy nó ngồi đánh bài ngay gần chỗ tao à. Cách xa chỗ thằng Bảo Vũ nữa. Nếu nó chạy ra chỗ đấy thì tao phải biết chứ?
- Còn mày nghi ngờ ai vậy, Bảo Vũ? - Tuấn Trường gật đầu đồng ý với ý kiến của Ngọc Bích và Vân Linh, đoạn quay sang hỏi Bảo Vũ.
Bảo Vũ nghĩ ngợi rồi đáp:
- Tao đã có người tình nghi rồi. Nhưng hiện tại tao sẽ không nói. Cho đến một thời điểm nhất định nào đó tao sẽ nói cho chúng mày.
Nghe vậy, cả đám nhìn nhau một lúc, khẽ gật đầu. Sau đó không gian lại rơi vào trầm lặng, chỉ còn tiếng quạt trần vẫn vang lên đều đều cùng với âm thanh ve kê râm ran.
Bất chợt đôi mắt Tuấn Trường sáng lên như vừa mới nghĩ đến một điều gì thú vị lắm. Cậu chạy ra ngoài ngó nghiêng, ngó dọc như sợ ai nghe lén. Sau đó cậu đóng cửa lại, quay lại chỗ cũ, rồi đưa tay ra hiệu cho đám bạn xích lại gần nhau, giọng nói thì thầm có phần bí ẩn của Tuấn Trường vang lên:
- Chúng mày biết một tin tức đang hot ở trường mình không?
Vân Linh ngẫm nghĩ một hồi, rồi lên tiếng:
- Cái tin ông bác bảo vệ gặp ma ở phòng vệ sinh cuối dãy hành lang tầng 2, khi nhà C đấy à?
- Đúng rồi! Tin đó đang hot ầm ầm ở trường mình đấy! - Bảo Vũ gật đầu
Vân Linh tiếp lời, đôi lông mày cau lại, nhỏ giọng:
- Tao chỉ nghe nói qua thôi chứ cũng không rõ lắm!
Ánh mắt của Tuấn Trường trở nên bí hiểm, khóe môi khẽ cong lên:
- Vậy thì để tao kể cho mà nghe này!
Tuấn Trường dứt lời, đám bạn lập tức ngồi xuống cái bàn bên cạnh, vẻ mặt hứng thú. Mặc dù đã bị mất điện thoại, nhưng tính tò mò trỗi dậy trong lòng khiến Bảo Vũ cũng muốn lắng nghe, cậu ngồi im lặng, gạt bỏ những nỗi buồn để chú ý tới câu chuyện ma mà Tuấn Trường sắp kể.