Chương 585: Thất Thương Độn Huyết Thuật

Mao Sơn Tróc Quỷ Nhân

Thanh Tử 11-11-2023 13:17:41

*Thất Thương Độn Huyết Thuật: Tạm hiểu Thuật độn giáp bằng cách tự làm thương mình Thân ảnh Quỷ Mẫu vừa động, vô số khô lâu từ dưới bay ra xếp thành một hàng dài, xoay tròn vây quanh thân ả, hoắc khí cuồn cuộn giống như mây mù từ từ lan ra. Diệp Thiếu Dương vừa nhìn vừa chỉ huy mọi người lui về phía sau, nói: "Quỷ Mẫu cũng bị thương không nhẹ, không thể tái chiến, có thể chiêu này là chống lại tôi, mọi người chia nhau ra trước, sau đó lúc tôi xông đến đối phó với ả thì tiến lên bắt quỷ thân của ả lại. Tiểu Ngọc chuẩn bị kỹ nhé, tôi và cô dùng lục giáp bí chúc. . ." Nhuế Lãnh Ngọc đưa mắt nhìn oán khí tụ họp quanh thân Quỷ Mẫu, nói: "Một chiêu này của ả, một mình ngươi tuyệt đối không cản được." "Không cản được cũng phải cản, nếu không tất cả đều sẽ chết.". Diệp Thiếu Dương nhìn nàng một cái, cười an ủi,"Yên tâm, ít nhất tôi cũng có thể để lại một chút sức để cùng đánh với cô." Nhuế Lãnh Ngọc nhíu mày, không hiểu tại sao hắn lại có lòng tin đến vậy. Mắt thấy Quỷ Mẫu bên kia tụ họp xong oán khí, sắp phát động tấn công, Nhuế Lãnh Ngọc không thể làm gì khác hơn là di chuyển vài bước, chỉ huy mọi người tản ra bên cạnh, tay cầm pháp khí tính toán đánh một trận cuối cùng. Nàng quay đầu nhìn Diệp Thiếu Dương, giật mình phát hiện hắn đang dùng Đinh Diệt Linh cắt vào bả vai của mình, dùng một tờ phù dán vào vết thương, máu tươi thấm ướt linh phù, không nhỏ xuống đất. Sau khi cắt một vết lên vai trái, Diệp Thiếu Dương lại đổi tay, cắt lên vai phải, dán thêm một tờ phù lên trên đó, tiếp theo là hai cổ tay. . . "Ngươi làm gì vậy?" Nhuế Lãnh Ngọc cả kinh nói. "Thất Thương Độn Huyết Thuật!". Trương Thi Minh hít vào một hơi lãnh khí, cậu thân là đệ tử Long Hổ Sơn, cũng biết sự lợi hại của pháp thuật này, tuy nhiên vẫn chưa có tư cách thi triển, bởi vì: Thất Thương Độn Huyết Thuật muốn thi triển phải là pháp sư bài vị Thiên Sư trở lên, pháp thuật này căn cứ vào một loại quan niệm căn bản của pháp thuật Đạo Môn: Dương khí tràn đầy bên trong cơ thể con người, pháp sư dùng dương khí để tu luyện, trở thành cương khí. Nhục thân có thể có dưỡng khí, nhưng sẽ gây trở ngại cho việc phóng thích cương khí. Cho nên mục đích tu đạo cuối cùng chính là giữ lại dưỡng khí nhục thân nhưng vẫn không ngừng giảm thấp sự tồn tại của nó, ở thời điểm làm phép mới không bị ảnh hưởng đến cương khí phóng ra. Đạt tới bài vị Thiên Sư, khí hải trong cơ thể được khai mở, cương khí bắt đầu khởi động một cách tự nhiên, nhưng khi chưa thành Địa Tiên, còn có một tầng chướng ngại cuối cùng, không có cách nào đạt đến cực hạn. Cho nên, nếu nói " Thất Thương Độn Huyết Thuật ", chính là đả thông bảy đại quỷ huyệt trong cơ thể con người, mạnh mẽ đẩy cương khí tới, lợi dụng tứ đại pháp thuật hành, độn, ẩn, công trong thuật độn giáp, dùng phù tụ họp, tương đương với việc cưỡng ép kích thích tiềm năng trong cơ thể con người, tạo thành một lần công kích siêu mạnh, nhưng tác dụng phụ là: Bảy đại quỷ huyệt bị công kích sẽ phản phệ, khiến người sử dụng thụ trọng thương, không thể chữa khỏi, cho nên mới gọi là Thất Thương Độn Huyết Thuật. Trừ khi đến thời khắp sinh tử, nếu không cho dù là Thiên Sư cũng tuyệt đối không được dùng pháp thuật này để giết địch, bởi vì có thể khiến cho địch tổn hại một ngàn nhưng mình đã tự tổn hại tám trăm. Trương Thi Minh nhìn Diệp Thiếu Dương, lần đầu tiên cảm nhận được con người này thật kinh khủng, kinh khủng đến mức khắc ghi vào nội tâm của mình. "Nhớ đưa Tiểu Manh đến bệnh viện truyền máu, trong đai lưng của tôi có Hồng Tinh Bách Hoa Hoàn, Tiểu Mã biết đấy." Diệp Thiếu Dương vừa cắt tay, vừa dặn dò Nhuế Lãnh Ngọc. Nhuế Lãnh Ngọc còn định nói điều gì nữa nhưng đã nghe thấy Quỷ Mẫu gầm lên một tiếng, một cỗ oán khí quanh thân ngưng tụ thành hắc vụ (sương mù) như một đợt sóng thần, đập về phía Diệp Thiếu Dương. Đối mặt với đòn tấn công mạnh mẽ, Diệp Thiếu Dương khoanh chân ngồi xuống, cắm Thất Tinh Long Tuyền Kiếm xuống đất, hai tay vuốt ve chuôi kiếm, nói: "Thần binh tự có linh hồn, đây có lẽ là trận chiến cuối cùng, hãy cố gắng, lão bằng hữu." Long Tuyền kiếm nhẹ nhàng rung động, phát ra tiếng ngâm khẽ, phảng phất như đáp lại lời của chủ nhân. Sóng lớn đánh tới đụng vào bảo kiếm cắm trên mặt đất, lập tức bị tách ra hai bên, dọc theo hai bên sườn, khóa Diệp Thiếu Dương ở chính giữa. Vô số khô lâu vây quanh Diệp Thiếu Dương, bay lộn lên xuống, từng trận kinh dị phát ra, hắc vụ sáng lên, xuất hiện một cái dốc nghiêng bốn mươi lăm độ nối thẳng tới chỗ hắn, một bóng người mặc hoa phục, cước bộ nhẹ nhàng đi trên dốc, thỉnh thoảng phát ra tiếng cười. Sau đó, bóng người biến mất, ngưng tụ thành một đạo kim quang, lơ lửng trên không trung. Diệp Thiếu Dương không biết chuyện gì đang xảy ra, cảnh tượng trước mắt lại biến đổi, lại xuất hiện thêm một con đường đi xuống dưới, phía dưới là hỏa diễm cuồn cuộn đốt nóng cả con đường, một đám người quần áo lam lũ đi ở phía trên, hai chân bị đốt nóng chảy ra, xương cốt bốc khỏi, không ngừng phát ra tiếng kêu hét thê thảm nhưng vẫn chỉ có thể tiếp tục đi xuống dưới. Chỉ chốc lát sau, cảnh tượng này biến mất, chỉ còn lại một đạo bạch quang bên cạnh kim quang. Tiếp sau đó lại xuất hiện một đám người. . . Diệp Thiếu Dương chợt hiểu, những hình ảnh xuất hiện trước mắt chính là hình ảnh của luân hồi - Lục Đạo Luân Hồi. Mới vừa rồi là màn thứ nhất - Thiên đạo và màn thứ hai - Địa Ngục Đạo, màn thứ ba là Nhân Đạo. . . . Quả nhiên, kế tiếp lần lượt xuất hiện Ngạ Quỷ Đạo và Súc Sinh Đạo. Trong lòng Diệp Thiếu Dương kinh hãi không dứt, Tu La Quỷ Mẫu có thể mô phỏng theo lục đạo mà làm thành thủ đoạn công kích, như thế có nghĩa là ả đã nắm trong tay sức mạnh của Minh giới, mặc dù chỉ có một phần nhưng nếu vận dụng ở nhân gian cũng không thể coi nhẹ, bởi vì không phải ai cũng đủ sức chống đỡ. Hắn chợt nghĩ nếu ả là Tu La Quỷ Mẫu, nắm giữ sức mạnh của Minh giới, như vậy có khả năng ả đang nắm giữ Tu La Đạo. Quả nhiên, màn xuất hiện cuối cùng này chính là Tu La Đạo. Diệp Thiếu Dương chỉ nhìn thấy hình ảnh thoáng qua là màu sắc bất đồng tập trung lại cùng nhau, điều khiển vô số đầu lâu tập hợp thành một sức mạnh đáng sợ, đánh về phía Diệp Thiếu Dương. Rốt cuộc cũng chờ tới một màn này. Diệp Thiếu Dương phun ra một hơi, rút Thất Tinh Long Tuyền Kiếm lên, mũi kiếm đính bảy tờ linh phù dính máu của mình, miệng không ngừng niệm chú, máu tươi từ tờ linh phù bốc hơi tạo thành một chữ "Sắc" to lớn trên không trung, trường kiếm quay cuồng cuốn chữ sắc lên trời, đánh về phía Quỷ Mẫu. Ngươi đã xuất sức mạnh Tu La, vậy ta sẽ dùng đỉnh cao của pháp thuật nhân gian để đối ứng! Bên kia Nhuế Lãnh Ngọc lợi dụng lúc Quỷ Mẫu toàn lực tấn công Diệp Thiếu Dương mà chỉ huy mọi người xông tới, mặc dù Quỷ Mẫu tập trung toàn thân tu vi lên Tu La Quỷ Đạo, nhưng Quỷ Huyết Nhãn phía sau ả vẫn còn mở ra đóng lại, bắn hào quang chói mắt về phía họ. Tứ Bảo đã sớm có tính toán, cầm trong tay Kim Sắc Bình Bát, niệm chú ngữ, bình bát hóa thành một hắc động, không ngừng hấp thu hào quang của Quỷ Huyết Nhãn. Bình bát hấp thu kim quang giống như bị lửa đốt, lập tức trở lên đỏ bừng, hai tay Tứ Bảo đang cầm bình bát bị đốt nóng lên, lớn tiếng kêu: "Mau lên mau lên, đừng chậm trễ!" Chân thân Tiểu Bạch lần nữa hiện ra, phi thân cuốn chặt thân thể của Quỷ Mẫu, sau đó Nhuế Lãnh Ngọc, Uông Ngư, Trương Thi Minh và Dưa Dưa cũng lao tới. . . Rầm rầm. . . Sức mạnh Tu La Quỷ Đạo cùng với Thất Thương Độn Huyết Thuật va chạm nhau, mỗi lần va chạm, khô lâu của Quỷ Mẫu không ngừng vỡ nát, từng tờ huyết phù cũng biến mất. . . Nhuế Lãnh Ngọc vừa công kích Quỷ Mẫu, vừa lo lắng nhìn Diệp Thiếu Dương, sâu trong đáy lòng thầm kêu lên: Ngươi nhất định phải kiên trì, nhất định! *********************************** Bên lề: Lục Đạo Luân Hồi Theo quan điểm Phật giáo, tùy vào nghiệp của chúng sinh (những thực thể có ý thức, cảm giác, có sự sống) mà sau khi chết, chúng sinh đó có thể tồn tại dưới dạng thân trung ấm một thời gian (nhiều tài liệu cho rằng thời gian tối đa là 49 ngày, cũng có tài liệu cho rằng không có thân trung ấm, chúng sinh sẽ tái sinh ngay sau khi chết), rồi tái sinh vào một trong 6 cõi với cuộc đời mới. Các hoạt động cầu an, cầu siêu, thờ cúng, chăm sóc phần mộ tổ tiên. . . . hoàn toàn không có ý nghĩa gì đối với người chết đã tái sinh. Trường hợp một số người có thể "giao tiếp" với người đã khuất là do năng lực của tưởng uẩn (một trong ngũ uẩn) của người còn sống. 6 cõi luân hồi bao gồm: Cõi trời (tiếng Phạn: deva) Cõi thần (tiếng Phạn: asura) Cõi người (tiếng Phạn: manussa)Niết-bàn Cõi súc sinh (tiếng Phạn: tiracchānayoni) Cõi ngạ quỷ (quỷ đói) (tiếng Phạn: petta) Cõi địa ngục (tiếng Phạn: niraya) Sinh vật ngoài trái đất (nếu tồn tại) cũng sẽ thuộc vào một trong 6 cõi này. Những thực thể đã nhập niết bàn thì không còn luân hồi sau khi qua đời. Sau khi tái sinh, đa số các chúng sinh sẽ không còn nhớ bất cứ điều gì về kiếp trước đó. Việc chúng sinh sẽ tái sinh vào cõi nào sau khi chết có thể dự đoán được nếu quan sát cận tử nghiệp của chúng sinh đó. Nguyên nhân dẫn đến luân hồi là do chúng sinh vẫn còn tham, sân, si, do đó mà tạo nghiệp. Đặc điểm chung của các cõi luân hồi là vô thường. Sau khi qua đời,"Hồn" hay Thân trung ấm sẽ chuyển vào một trong 6 cõi tùy theo Nghiệp mà khi còn sống đã tạo nên. Dưới đây là tính cách của 6 cõi mà kinh sách gọi là Lục Đạo. 1. Cõi trời Cõi trời là cõi của hạnh phúc. Mặt không tốt của cõi này là mọi thứ quá tuyệt vời và những điều này khiến cho chúng sinh cõi trời thường bỏ quên việc tu hành giải thoát. Thay vào đó, họ dần dần sử dụng phước báo họ đã tích lũy từ trước (có thể từ các kiếp trước) để hưởng thụ, do vậy khi hết phước họ tái sinh vào các cõi thấp hơn. Những chúng sinh ở cõi trời có rất nhiều quyền năng và uy lực so với con người. Tuy nhiên, chúng sinh ở cõi trời sống rất lâu nhưng không bất tử, hiểu biết rất nhiều nhưng không biết hết mọi thứ, có nhiều năng lực mạnh mẽ nhưng chỉ có giới hạn và không hành động như một đấng sáng tạo hay người phán xét. Vì vậy, chúng sinh cõi trời rất khác với khái niệm thần trong văn hóa phương tây. Cõi trời phân chia thành nhiều tầng, khác nhau ở quyền năng và mức độ hạnh phúc. Tùy vào nghiệp mà chúng sinh sẽ được sinh vào tầng cao hay thấp. 2. Cõi thần Cõi thần là cõi của các vị có phước báo ít hơn cõi trời. Họ là những chúng sinh có không ít phước, làm nhiều việc thiện nhưng còn hung dữ, ghen tỵ, nóng nảy. Cõi thần cũng có nhiều tầng, khác nhau ở mức độ hạnh phúc và quyền năng. Ở các tầng thấp, họ cũng hiểm ác và có thể gần giống với quỷ dữ. Các chúng sinh ở cõi thần được cho rằng có đời sống hạnh phúc hơn cõi người và kém hơn cõi trời, họ không hiểu và cảm thấy bị quấy rầy bởi chúng sinh cõi trời. Một số sự tích nói rằng chúng sinh cõi thần có 3 đầu và 6 tay và họ cũng không thể được cảm nhận bằng giác quan của cõi người và cõi súc sinh. 3. Cõi người Cõi người là cõi của con người. Sự tái sinh vào cõi này được cho là có lợi nhất trong tất cả các cõi luân hồi về mặt tu hành giải thoát. Điều này là do một số đặc tính độc đáo duy nhất chỉ có ở cõi người. Con người được xem là có nhiều thuận lợi vì họ dễ nghe và làm theo chánh pháp do sự hạnh phúc và đau khổ đều ở khoảng giữa so với các cõi khác. Chúng sinh ở cõi quỷ đói (ngạ quỷ) và địa ngục chịu nhiều đau khổ chỉ có thể chịu đựng chứ không thể tự vươn lên. Cuộc sống ở cõi thần có nhiều bạo lực nên không thể làm theo chánh pháp, còn phần lớn chúng sinh ở cõi trời chỉ hưởng thụ phước của họ mà quên đi việc tu tập. Không giống các cõi khác, đơn thuần là hạnh phúc hay đau khổ, tại cõi người, con người có thể trải nghiệm những cảm giác hạnh phúc nhất cho đến đau khổ nhất tùy vào nghiệp của họ. Việc tái sinh làm con người là một sự kiện hiếm hoi, Phật đã ví cơ hội được làm người giống như một con rùa mù trăm năm mới nổi lên một lần và chui đầu được vào một cái cây có lỗ thủng nổi lênh đênh trên biển. Việc tái sinh vào cõi người được cho là rất lợi ích nếu con người biết sống đúng cách, tuy nhiên, chúng ta thường phí thời gian cuộc đời vào các nhu cầu vật chất, gia tăng các cảm xúc, hành động và ý nghĩ không tốt. Vì điều này, phần lớn trường hợp sau khi chết, chúng ta thường tái sinh vào các cõi thấp hơn, thay vì tái sinh tiếp tục làm người. Ở các cõi thấp hơn, như cõi súc sinh, sẽ rất chậm và khó khăn để tích lũy đủ phước để có thể tái sinh làm người. Cho nên chúng sinh có thể sẽ phải mất thêm nhiều kiếp để có cơ hội tái sinh làm người lần nữa. 4. Cõi súc sinh Cõi súc sinh bao gồm các động vật không là con người. Phật dạy rằng, tất cả các chúng sinh đều có Phật tính và do đó đều có khả năng giải thoát. Qua vô số kiếp quá khứ, nhiều động vật có thể đã từng là người thân của chúng ta. Vì vậy, con người chúng ta không nên sát sinh. 5. Cõi ngạ quỷ Những chúng sinh ở trong cõi ngạ quỷ được biết đến như là những quỷ đói. Họ cực kỳ đói và khát, nhưng họ hầu như không thể ăn hay uống. Chúng sinh ở cõi ngạ quỷ vô hình với giác quan của con người, nhưng có ý kiến cho rằng con người có thể nhìn thấy họ trong một số trường hợp. Chúng sinh ở cõi ngạ quỷ mang nhiều hình hài khác nhau, cũng có những chúng sinh mang hình hài con ngươi, nhưng với da thối rữa, chân tay nhỏ, bụng rất to và dài, cổ hẹp. Điều này đặc trưng cho việc họ cực kỳ đói khát (bụng to) nhưng rất khó khăn để thỏa mãn cơn đói (cổ hẹp). Ngạ quỷ được cho là thường sống ở các bãi rác hoặc hoang mạc cõi người, và có thể ở các nơi khác tùy vào nghiệp quá khứ của họ. Một số trong số họ có thể ăn một ít, nhưng rất khó tìm đồ ăn thức uống. Số khác có thể tìm được đồ ăn, nhưng rất khó nuốt. Một số khác nữa khi ăn vào thì đồ ăn biến thành lửa khi họ nuốt vào. Cũng có trường hợp đồ ăn và thức uống biến mất ngay trước mắt họ khi họ tìm thấy. Vì vậy, ngạ quỷ luôn luôn đói. Cùng với đói khát, ngạ quỷ cũng phải chịu đựng nóng lạnh thất thường, ngay cả ánh trăng mùa hè cũng thiêu đốt họ, trong khi ánh nắng mặt trời mùa đông vẫn làm họ cóng lạnh. Quỷ đói cũng có một số quyền năng và có thể sử dụng để chống lại lẫn nhau hoặc dọa con người. Tại các chùa thường cúng thí thực vào buổi chiều, chính là bố thí thức ăn cho ngạ quỷ. 6. Cõi địa ngục Địa ngục là cõi hoàn toàn đau khổ, là nơi chúng sinh bị đày đọa do tạo các nghiệp xấu, ác trong quá khứ. Khi bị đày đọa đến mức độ cảm giác như đã chết, chúng sinh sau đó hồi phục lại và bị đày đọa tiếp. Theo các tài liệu chính thống thì việc bị đày đọa là do các chúng sinh khác trong địa ngục hoặc quỷ sứ thực hiện. Địa ngục theo cách nhìn của Phật giáo rất khác so với các tôn giáo khác, chúng sinh khi tái sinh vào địa ngục không phải do sự phán xét thần thánh của thần linh, và thời gian ở trong địa ngục không kéo dài vô tận, mặc dù vậy, thời gian đó thường là rất lâu. Việc đọa vào cõi địa ngục phụ thuộc hoàn toàn vào nghiệp bất thiện, nghiệp ác của chúng sinh đó, và một khi đã trả hết nghiệp có liên quan, chúng sinh sẽ tái sinh vào cõi khác cao hơn. Địa ngục được phân thành nhiều tầng, khác nhau về mức độ đày đọa. Con người không thể nhìn thấy chúng sinh trong địa ngục. Hiện nay, có nhiều mô tả khác nhau về sự phân chia các tầng cũng như hình thức đau khổ ở các tầng. Địa ngục thống khổ cùng cực là Địa Ngục A-Tỳ theo kinh điển ghi chép lại. Gây ra những nghiệp nhân gì mà luân hồi vào lục đạo ? 1/- Địa ngục: do tạo nhiều nghiệp ác nặng nề, phạm vào một trong các tội Ngũ nghịch (giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá sự hòa hợp của Tăng chúng và làm thân Phật chảy máu hoặc không cung kính, làm ô uế hình tượng Phật), làm những điều trái ngược với luân thường đạo lý. 2/- Ngạ quỷ: do tạo nhân ham lam, bủn sỉn, không biết bố thí, giúp đỡ người khác, hoặc trộm cắp, cướp đoạt. 3/- Súc sinh: do tạo nhân si mê, sa đọa, không phân biệt tốt xấu, tin theo tà kiến. 4/- A-tu-la: do tạo nhân sân hận, hiếu chiến, thường giận dữ gây gổ. Thế nên những người làm nhiều việc thiện mà không trừ được tâm sân hận vẫn phải sinh vào cõi A-tu-la. 5/– Cõi Người: nhờ biết tu tập giữ theo Ngũ giới. 6/– Cõi Trời: nhờ biết tu tập Thập Thiện Nghiệp.