Chương 009: Huyện thành nhỏ bé.

Ta Là Tiểu Lang Trung

Mộc Dật 03-02-2025 14:32:29

Rốt cuộc đã rời khỏi núi, hai chân Tả Thiếu Dương khá mỏi rồi, ngọn núi này tên là Thiên Nhận Sơn, vì nhiều đỉnh núi, hơn nữa lại cao vút tận mây, vách đá cheo leo, cho nên được gọi bằng tên này. Nhà bọn họ ở huyện Thạch Kính, thuộc Hợp Châu, là nơi đặt châu phủ. Dọc đường đi Tả Thiếu Dương thấy rất nhiều ruộng bằng phẳng nhưng mọc đầy cây gai, cỏ dại, hẳn là bỏ hoang nhiều năm rồi, hỏi:" Tỷ, sao không ai cày ruộng, để hoang tiếc quá." Hồi Hương nghe đệ đệ hỏi chuyện rất ấu trĩ thì thở dài, lần trước đệ đệ cũng đi leo núi hái thuốc sau đó chẳng biết ngã hay làm sao, đến khi tìm ra thì đang nằm trên đống tuyết lớn, bị nhiễm lạnh sốt cao liên miên. Sau đó đầu óc cũng bị ảnh hưởng, nhiều chuyện nhớ nhớ quên quên, thi thoảng hỏi nàng toàn câu ngớ ngẩn như thân thích bằng hữu có ai, châu huyện bao nhiêu người. Hồi Hương thương lắm, lo vô kể, nhưng sợ đệ đệ buồn, không thể hiện ra, kiên nhẫn trả lời từng câu một. " Muốn cày ruộng thì cũng phải có trâu cày mới được chứ, bao năm qua chiến hỏa liên miên, trai tráng đều bị bắt đi lính đánh trận hết rồi, còn chết bao nhiêu là bao nhiêu, đến xương cốt không còn chỗ mà chôn, mà người chết toàn là con cái nông gia. Còn sống đại đa số là người già phụ nữ trẻ em, làm sao mà trồng cấy được nhiều ruộng đất như thế chứ? Đành bỏ hoang thôi." Tả Thiếu Dương nhớ đại khái đoạn lịch sử này, sau khi nhà Tấn sụp đổ, tiếp đó hai ba trăm năm là cục diện quần hùng cát cứ, chiến loạn quanh năm suốt tháng, ngày tháng bình yên chẳng có mấy, nhân khẩu tất nhiên sụt giảm, ở thời đại công việc đồng áng hoàn toàn dựa vào sức lao động này, thiếu đi trai tráng, đất đai hoang vu không có gì là lạ, nhìn bốn xung quanh đồng ruộng chỉ có cỏ dại là cỏ dại, thi thoảng mới thấy một hai ông già ngoài đồng, không khỏi thầm buông tiếng thở dài. Khi mặt trời chỉ còn leo lét ánh sáng đằng xa, hai tỷ đệ Tả gia về kịp huyện Thạch Kính trước khi thành đóng cửa. Nhìn tòa thành từ xa cũng chẳng cao lớn vững trãi gì cho lắm, vài cái tháp canh vẫn còn chưa tu sửa hoàn thiện, hoặc là chẳng buồn tu sửa gì nữa, vẫn cứ nguyên dấu vết cháy xém sứt xẹo. Bao quanh có một con sông hộ thành, không biết khi kháng địch có ăn thua gì không, Tả Thiếu Dương ước chừng mình nhảy hai bước là qua, được cái trong xanh biêng biếc, cái cầu treo thì trông rất thiếu an toàn, móc bởi cái xích sắt to bằng cổ tay, rỉ sét hết cả chẳng biết trải nắng dầm mưa bao lâu rồi, cầu rộng đủ cho hai cái xe ngựa đi qua, gỗ thì rõ ràng là chắp vá. Cổng thành có mấy binh sĩ mặc khải giáp nặng trịch, tay cầm trường mâu, hông dắt loan đao, cảnh giác nhìn dòng người đi qua đi lại, cứ thấy ai nghi ngờ là kéo sang bên tra hỏi ngay, chiến tranh chưa qua bao lâu, tính cảnh giác vẫn rất cao. Lúc rời thành chẳng có tâm trạng nào nên chẳng chú ý, bây giờ quay về với tâm thái thoáng đạt cởi mở hơn, Tả Thiếu Dương hiếu kỳ ngó nghiêng xung quanh, còn chăm chú nhìn mấy binh sĩ, mặt mày phong sương, không cao lớn lừng lững oai phong lẫm liệt, có vẻ còi cọc như không đủ dinh dưỡng, nhưng trông người nào người nấy rất có tinh thần, ánh mắt đó nhìn là biết không nên trêu trọc vào họ. Những binh sĩ này chỉ lướt qua tỷ đệ họ một cái không hỏi han gì, cả hai thuận lợi vào thành. Cho dù Lý Thế Dân đã lên ngôi, đại cục thiên hạ cơ bản đã định, nhưng bây giờ mới chỉ là năm đầu, ân trạch của thời Trinh Quan chưa tưới lên người bách tính, chiến tranh chưa qua bao lâu, nhà cửa lụp xụp, mùa đông gió rét làm khung cảnh càng thêm tiêu điều, vết thương chiến tranh còn xa mới lành miệng. Bách tính ăn mặc đơn sơ, mùa đông khắc nghiệt mà nhiều người ăn mặc mỏng manh, độc có một cái áo, lạnh tới chân tay tím tái, run cầm cập. Tả Thiếu Dương thắc mắc, những người này áo mùa đông gần như là áo vải gai, chẳng thấy ai mặc áo bông cả, y nào biết rằng thời Đường tuy đã trồng bông rồi, nhưng còn xa mới phổ cập, bách tính chẳng mấy ai từng nhìn thấy bông nữa là, nói gì tới chuyện mặc áo bông. Hai bên đường đi ăn mày đứng lố nhố trông càng thảm thương, quần áo rách nát, nam có nữ có, ai cũng gầy khô như que củi, túm tụm với nhau vào một chỗ để sưởi ấm, toàn thân run rẩy, cái bát sứt mẻ, mắt trống rống thất thần nhìn dòng người qua lại, chẳng còn sức lực để lên tiếng xin xỏ nữa. Tả Thiếu Dương thực sự không muốn nhìn cảnh tượng này, Hồi Hương thì thản nhiên như không, vừa đi vừa tíu tít kể chuyện làng chuyện xóm với đệ đệ, rõ ràng là nàng đã quá quen rồi. Thi thoảng mới thấy được một người trông hồng hào béo tốt thong thả ngâm nga bài hát nào đó, nhưng ăn mặc cũng một màu xám xịt. Tuy thế không phải mọi thứ đều tệ, đường xá làm rất tốt, rộng rãi còn lát đá, trên đường cũng không có mấy rác rưởi, rất sạch sẽ, tất nhiên chỉ giới hạn ở mấy con đường chính thông tới cổng thành thôi, có điều cũng đáng quý rồi. Xuyên qua đường lớn ngõ nhỏ, chóng hết cả mặt, khi Tả Thiếu Dương cảm giác sắp không nhớ nổi đường nữa thì Hồi Hương đứng lại trước căn nhà gỗ cũ kỹ gọi:" Đệ đệ, tới nhà rồi, còn định đi đâu?" Tả Thiếu Dương cười trừ, đây là một căn nhà hai tầng ba gian, chính giữa là đại sảnh, bốn cánh cửa gỗ mở rộng, hai bên treo câu đối khắc gỗ, mặc dù rất đơn giản, nhưng gỗ được bào rất phẳng, chữ bên trên cổ kính cứng cỏi, trông có nghề lắm. Cửa chính treo một tấm biển gỗ đào, ba chữ "Quý Chi Đường" này rõ ràng cũng cùng một người viết câu đối. Tấm biển cũ không biết thời nào, chỉ cần đứng xa một chút thôi là không đọc được bên trên viết cái gì, Tả Thiếu Dương nghĩ có lẽ cũng không ảnh hưởng mấy, cái thời này trong 100 người có nổi một người biết chữ là giỏi lắm rồi. Hai bên đại sảnh có dãy ghế dài, nhìn sâu vào bên trong nữa là cái bàn gỗ, trông không còn ra màu sơn, nhìn tiếp thì chịu, vì bây giờ là chập tối, lại chẳng có điện, tù mà tù mù không thấy rõ. Ngưỡng cửa lõm xuống hình cánh cung, bên trên toàn là vết chém, chắc là bình thường chặt cái gì đó tiện tay kê lên đây nên thành ra như vậy. (*) Để mọi người dễ hình dung vị trí thì nơi này hiện giờ là Hợp Xuyên – Trùng Khánh.