Mọi người ăn trong im lặng, mỗi người mang tâm sự riêng, được một lúc Lương thị chợt nhớ ra:" Trung Nhi, trước đó con nói với Tam Nương để cô ấy khoan hạn cho vài ngày kiếm tiền, con kiếm đâu ra tiền?"
Suy tính lúc đó của Tả Thiếu Dương là bán xạ hương đi kiếm tiến, bây giờ mộng đẹp tan vỡ rồi, y cũng không biết kiếm tiền đâu ra, ỉu xìu xìu nói:" Con . . Con cũng chỉ dùng kế hoãn binh thôi, chẳng phải có câu xe tới trước núi ắt có đường sao?"
Lương thị vốn chỉ ôm hi vọng nhỏ nhoi mà thôi, quay sang hỏi Tả Trung:" Lão gia, làm sao bây giờ, hay là thuê ruộng trồng cấy? Nếu không khai hoang cũng được, nghe Hầu Phổ nói, triều đình khuyến khích khai hoang, giảm thuế ba năm, ba năm sau giảm một nửa."
Tả Thiếu Dương lúc bị ốm qua lời bàn tán mọi người xung quanh nghe ngóng được Hầu Phổ là trượng phu của tỷ tỷ, hiện làm thư lại trong huyện nha.
" Trồng cấy !?" Tả Quý vén ống tay áo lên, lộ ra cánh tay khẳng khiu:" Bà xem ta có phải là người làm ruộng không? Lại nói, giờ là mùa đông, khai xuân mới trồng cấy được, thu hoạch xong mới có cái ăn, vậy nửa năm tới húp gió mà sống sao?"
Kỳ thực Lương thị cũng biết chuyện này không hiện thực, chỉ là cùng đường rồi sinh bấn loạn mới nói vậy thôi.
Hồi Hương thử nói:" Cha, mẹ, cùng lắm thì chuyển sang chỗ con ở tạm đi, Hầu Phổ không nói gì đâu."
Lương thị lắc đầu liên hồi:" Tới chỗ con? Cả nhà lớn nhỏ bên đó rúc vào chỗ bé tí, thêm vào nhà mình, ngủ đâu? Hơn nữa họ sống chẳng dễ dàng gì, dựa hết cả vào chút lương bổng của Hầu Phổ, thêm vào chúng ta, còn không làm nó mệt chết à?"
Hồi Hương nói:" Không sao, bọn con còn trẻ khổ chút không chết được. Con giúp nha môn giặt giũ may vá cũng kiếm được tiền."
" Không đi." Tả Quý tuyên bố một câu kết thúc bàn luận:" Muốn lão phu nương nhờ nữ tế, không bằng treo cổ chết quách luôn cho rảnh! - Đi ngủ!"
Nói xong đứng dậy chắp tay sau lưng đi về sương phòng trái đại sảnh.
Không ai dám trái ý Tả Quý, Hồi Hương thở dài thu dọn bát đĩa, Tả Thiếu Dương muốn giúp, nhưng bị Lương thị đẩy ra, nói nước nóng đun rồi, bảo y đi ngâm chân rồi ngủ.
Tả Thiếu Dương nhờ ánh lửa từ bếp, lần mò trong bóng tối tìm chậu rửa chân, mở nắp nửa cái bầu hồ lô, múc trong đó một bầu nước, đổ vào chậu, lại thêm một bầu nước từ trong chum. Thấy nước trong chum không còn bao nhiêu nữa, hỏi:" Tỷ, lấy nước đun ở đâu, nước trong chum sắp hết rồi, để đệ đi lấy."
Hồi Hương quay đầu chỉ:" Ra cửa rẽ phải, qua một con phố, bên sông có cái giếng nước, lấy ở đó . ."
" Tối rồi đừng đi, có thấy đường đâu, ngã thì khốn, sáng mai dậy lấy cũng được ..." Lương Thị cắt ngang, tiếp đó lại đau khổ rơi nước mắt:" Ông trời ơi, ngay chỗ lấy nước nó cũng quên mất rồi, sau này còn sống thế nào nữa."
Hồi Hương vỗ về mẹ, trong nhà rối ren nên nàng không nói thôi, bệnh tình đệ đệ thực sự nặng hơn thế nhiều, nàng rất lo:" Mẹ, đệ đệ chỉ quên mấy chuyện vụn vặt thôi, rồi sẽ nhớ lại hết, đừng lo."
Tả Thiếu Dương vâng lời, bê chậu nước ra đại sảnh, kiếm cái ghế nhỏ ngồi xuống, cởi giày tất, nước còn nóng, y thích thế, chân hơ hơ trên mặt nước, từ từ cho vào, rên một cái khoan khoái, còn gì thích hơn ngâm chân nước nóng trong mùa đông, vừa ngâm chân vừa cân nhắc từ ngữ thăm dò:" Vừa nãy con đi qua Huệ Dân Đường, thấy người khám bệnh đông lắm, nhà mình mà đông khách như vậy đã chẳng lo không nộp được tiền thuê phòng."
Lương thị chép miệng:" Nhà ta sao so được với họ, Đại chưởng quầy người ta nghe đâu làm y quan trong kinh thành tiền triều, từng xem bệnh cho vương gia tể tướng đấy."
Tả Thiếu Dương vỡ lẽ, chả trách, người ta từng xem bệnh cho lãnh đạo quốc gia, bách tính đương nhiên là tin rồi.
Hồi Hương cũng nói:" Người ta nghe danh mà tới, cha không có danh tiếng gì, cho dù chữa được bệnh, người ta cũng chẳng thèm."
" Nếu cha chữa được bệnh cho Tam thẩm sẽ khác, cái bệnh này phát tác là liên miên, cực kỳ khó chịu, nếu được chữa lành sẽ rất cao hứng."
" Thì cao hứng, rồi sao nào, hoãn cho chúng ta vài ngày, qua năm mới có lẽ người khám bệnh sẽ nhiều hơn, nhưng trước đó thì thế nào, phải trả tiền trước đã, nếu không Tam thẩm đuổi chúng ta đi ngay ... Tỷ thấy lần này thẩm ấy nói thật đấy ..."
Hồi Hương vừa nói tới đó liền nghe Tả Quý trong sương phòng lạnh lùng nói vọng ra:" Tới giờ nào rồi còn chưa ngủ đi, mấy mẹ con các ngươi ăn no tức bụng hả?"
Hồi Hương nhìn Tả Thiếu Dương, thè lưỡi ra.
Lương thị áp giọng xuống:" Đừng nói nữa! Con mau về đi, Hầu Phổ và hài tử đang đợi con về đấy, vất vả cả ngày rồi, nghỉ sớm."
" Dạ." Hồi Hương thường tạt qua nhà, là cô nương đảm đang, trước khi đi còn giúp dọn dẹp phòng ốc. Khi Tả Thiếu Dương cũng đã rửa chân xong, nàng bê chậu nước vào bếp đổ ào một cái, đi ra chỉnh lại y phục cho đệ đệ:" Mẹ, con về đây. Đệ, ban đêm nếu có người tới xem bệnh gấp, nhớ ra chào hỏi, đừng để cha dậy, cha già rồi, sức khỏe kém, đệ nữa, chú ý sức khỏe vào, cả nhà rồi trông cả vào đệ đấy đừng sính cường cái gì cố được thì cố."
" Đệ nhớ rồi."
Nhà Hồi Hương ở bên cạnh huyện nha, cách nơi này không xa, vì thời gian qua Tả Thiếu Dương bị bệnh nên nàng thường qua về nhà đỡ đần cha mẹ, y đi mở cửa, nghe tỷ tỷ căn dặn, mắt tiễn nàng đi xa rồi mới đóng cửa lại.
Lương thị đã về phòng ngủ, dặn nhi tử ngủ sớm. Tả Thiếu Dương mang đèn dầu vào sương phong bên phải, phòng tương đối lớn, chia làm hai phần, nửa phần ngoài là gian chế thuốc, có tận mấy cái bếp nhỏ liền, cùng dao thái thuốc, cối đồng giã thuốc, nghiền thuốc. Gian nhỏ bên trong để các loại dược liệu, đều là thứ giá rẻ chưa được bào chế. Tả Thiếu Dương hoang mang, tỷ tỷ bảo mình ngủ ở đây, nhưng nơi này còn không có cả giường thì ngủ như thế nào?
Tả Thiếu Dương phải giơ cao đèn lên để soi, ánh sáng của đèn dầu rất kém, tránh va chạm vào đồ đạc lỉnh kỉnh để khắp nơi, tránh đánh thức cha mẹ, đi vào cái gian nhỏ để thuốc. Khó khăn lắm mới thấy, thì ra bên trong cái gian nhỏ có một tấm ván đặt ngang, chắc là nơi ngủ rồi, nhưng làm sao lên được đây?