"Nhưng chuyện này có liên quan gì đến công việc của chúng ta?" Bàng Tử hỏi.
"Có một sơn dân đã gặp nạn từng lấy được một mảnh long cốt trong thung lũng, trên đó có khắc một số ký tự kỳ lạ, các chuyên gia nhận định rằng, những ký hiệu kỳ lạ đó là chữ giáp cốt, có thể gọi là văn tự cổ xưa nhất." Vừa nói, Shirley Dương vừa lấy từ trong túi ra một đồ vật được gói kỹ bằng giấy.
Tôi mở ra xem, là một khúc xương cốt màu trắng, phía trên có khắc một số ký hiệu kỳ lạ. Thật kỳ quái, từ trong khối long cốt này truyền đến một cỗ linh lực thật cường đại, nhưng tôi nhìn một lúc khá lâu cũng không rõ đây là loại pháp khí gì.
"Cô Dương, cô xem trên mảnh long cốt này phát ra linh lực, nó có vẻ như là một pháp khí, nếu có ai đó nhận ra loại pháp khí này thì tốt. Tôi muốn hỏi một chút, long cốt này cô lấy ở đâu thế?" Nhìn một lúc lâu cũng không hiểu được, tôi liền bỏ nó xuống.
"Nói đến việc giải mã văn tự cổ đại, mọi người có nghe nói đến Giáo sư Tôn Đức Lâm chưa?" Shirley Dương hỏi.
Tôi lắc đầu, Hồ Bát Nhất và Bàng Tử nhìn nhau tỏ vẻ kỳ lạ, Hồ Bát Nhất nói: "Tôi có gặp qua một lần, đó là một ông già cứng đầu, chỉ cần liên quan đến chữ giáp cốt thì tích thủy bất lậu*."
*Tích thủy bất lậu: một giọt nước cũng không để nhỏ ra ngoài. Hình dung lời nói, việc làm vô cùng cẩn mật, không có chút sơ hở nào.
"Không sao, chuyện này để tôi giải quyết. Mảnh long cốt này được một người hái thuốc vô tình phát hiện được khi đang đào một củ nhân sâm quý hiếm, biết là cổ vật nên mang về nhà, sau đó lời đồn về 'Thung lũng bị nguyền rủa' càng ngày càng nghiêm trọng hơn, họ sợ đến mức giao nó cho chính quyền địa phương, và cứ như vậy rơi vào túi của tôi." Shirley Dương hờ hững nói, tôi biết cô ấy nhất định có quan hệ hợp tác với cơ quan chính phủ nên cũng không quan tâm lắm.
"Chỉ có một mảnh này thôi sao?" Tôi hỏi.
"Đúng vậy." Shirley Dương gật đầu.
Mục tiêu công việc đã rõ ràng, phần còn lại chính là công tác chuẩn bị, Hồ Bát Nhất và Bàng Tử dù sao thì cũng mới nhập môn, mặc dù học được một chút bùa chú đơn giản, nhưng tốt nhất là không dùng đến, bởi vậy họ đã chuẩn bị một số vật phẩm chuyên dụng của Mạc Kim Giáo Úy, mà tôi cũng chuẩn bị một số bùa chú cần thiết. Hiện tại Diệp Diệc Tâm cũng có thể giúp đỡ một chút, con bé cả ngày quanh quẩn bên tôi, lải nhải muốn đi theo làm cho tôi bắt buộc phải từ chối. Tôi nói với con bé, khoa học công nghệ là lực lượng sản xuất chính, khi còn là sinh viên thì phải học hỏi thêm nhiều kiến thức mới là đứng đắn, Trung Quốc năm ngàn năm có rất nhiều bí mật, không cần phải vội vàng. Còn về việc chuẩn bị những vật dụng thường ngày cũng không cần chúng ta quan tâm, Shirley Dương sẽ toàn quyền phụ trách. Sau đó, Hồ Bát Nhất nói cho tôi biết rằng, Shirley Dương là một trong những nhà tài trợ chủ yếu của tổ chức bảo vệ di sản văn hóa gì gì đó.
Sau khi mọi việc chuẩn bị hoàn tất thì đã là tháng năm, sáu thành viên của đoàn khảo sát (không tính chúng tôi) cũng đã vào vị trí, trưởng đoàn là Giáo sư Tôn Đức Lâm. Năm người còn lại đều là nghiên cứu sinh, theo thứ tự là ba nam hai nữ, bên nam là Lâm Hậu Chiếu, Trương Xương Cát, Lý Vĩ Sâm. Các cô gái là Quách Tinh, Tề Oánh, cộng thêm bốn người là Shirley Dương, tôi, Hồ Bát Nhất và Bàng Tử, tổng cộng có mười người.
Giáo sư Tôn Đức Lâm không giống như một học giả, mà giống một lão nông dân đen đúa và gầy gò, khác một trời một vực với những giáo viên mà tôi thấy trong thành phố. Lúc nói chuyện tương đối ôn hòa, không nhìn ra được vẻ bướng bỉnh mà Hồ Bát Nhất đã nói, ngược lại thì những nghiên cứu sinh mà ông ấy dẫn theo, càng giống học giả hơn là ông ấy. Đặc biệt là người tên Trương Xương Cát, không thèm nhìn đến chúng tôi một cái mà cứ không ngừng làm phiền Shirley Dương, nói về chủ đề lớn như xã hội tư bản phát triển như thế nào và điều kiện học tập ở nơi đó như thế nào để có thể hướng đến... Ngay từ lần gặp đầu tiên Bàng Tử đã không ưa gì hắn, ở chung chưa đến ba tiếng đồng hồ mà đã xích mích n lần, nếu không phải Hồ Bát Nhất đè cậu ta xuống thì có lẽ răng của đồng chí tiểu Trương đã rơi đầy đất.
Quốc gia đầu tư về phương diện khảo cổ học còn rất hạn chế, chỉ riêng số tiền đầu tư hằng năm vào việc bảo trì và sửa chữa đã chiếm hơn một nửa kinh phí. Những hoạt động khảo sát trong những năm gần đây, có không ít đều tiến hành hợp tác cùng Tổ chức Bảo vệ Di sản Văn hóa Thế giới (sau đây gọi tắt là Bảo hiểm Thế giới). Nói trắng ra là nhà nước cử người, Bảo hiểm Thế giới thì cấp vốn, Shirley Dương tham gia với tư cách là người đứng đầu chi nhánh Trung Quốc. Tôi đang nghĩ rằng có thể có sự giám sát nào đó ở trong đây, tất nhiên đây chỉ là suy đoán mà thôi.