Tiêu Tiển liếc nhìn qua một cái, đoạn đứng dậy cáo từ:
-Dương tướng quân, đêm nay ta sẽ sắp xếp xong mọi thứ, chúc Dương tướng quân đại công cáo thành!
Dương Nguyên Khánh cũng chắp tay cười nói:
-Vậy thì đa tạ Tiêu huynh!
Sau khi tiễn Tiêu Tiển ra về, Dương Nguyên Khánh trở lại thư phòng, chỉ thấy bên ngoài thư phòng, Dương Tam Lang đang dẫn theo một văn sỹ trung niên, đang đợi gặp hắn, hắn bèn tiến tới cười nói:
-Là người này sao?
Dương Tam Lang nói khẽ vào tai Dương Nguyên Khánh:
-Người này ở Giang Đô có danh hiệu là Quỷ Bút, rất giỏi bắt chước nét chữ. Hắn có một người đồ đệ tên gọi Triệu Tuệ, làm văn sử ở Quận nha, bây giờ tung tích không rõ. Người này họ Giả, có thể công tử sẽ dùng được y.
Nam tử quỳ xuống dập đầu:
-Tiểu dân Giả Chính Ý khấu kiến Ngự sử đại nhân!
Dương Nguyên Khánh nhìn khắp hắn một lượt, đoạn nói:
-Vào đây!
Dương Tam Lang đưa văn sỹ trung niên bước vào thư phòng, Dương Nguyên Khánh ra lệnh cho hắn ngồi xuống trước thư án, tiện tay lấy một bức thư của chính mình, đưa cho hắn, nói:
-Đây là thư của ta, Giả tiên sinh bắt chước thử xem.
-Dạ!
Giả Chính Ý trải bức thư của Dương Nguyên Khánh ra, cẩn thận xem qua bút tích một lượt, lại dùng tay vẽ vẽ trong không khí một hồi, đoạn cầm bút, múa bút nhoay nhoáy, gần như như viết liền một mạch.
Viết xong, y đặt bút xuống cười nói:
-Tiểu nhân hiến xấu rồi!
Dương Tam Lang cầm bức thư trình lên Dương Nguyên Khánh, Dương Nguyên Khánh ngây người. Nếu không phải do vết mực trên giấy còn chưa khô, hẳn hắn đã nghĩ đây chính là thư của mình viết. Hắn lại cầm bức thư của mình lên tỉ mỉ so sánh một lượt, không khỏi thầm than thế là quá đủ, hoàn toàn giống nhau như đúc, ngay cả bản thân hắn cũng không phân biệt được.
-Không hổ là Quỷ Bút, quả thật là danh giống như bút.
Dương Nguyên Khánh bật lên tán thưởng, hắn lấy ra mấy bức thư của Trương Cẩn, mấy thứ này thu được khi lục soát trong thư phòng của Trương Vân Dịch, hắn đưa cho Giả Chính Ý:
-Ngươi giúp ta viết một bức thư, dùng bút tích của người này viết.
Giả Chính Ý không nhận lấy, mà quỳ thụp xuống đất, dập đầu cầu xin:
-Tiểu nhân nguyện ra sức làm việc cho Dương ngự sử, chỉ khẩn xin Dương ngự sử tha mạng cho tiểu nhân.
Dương Nguyên Khánh bật cười:
-Sao ngươi biết là ta muốn giết ngươi?
-Tiểu nhân có một tên đồ đệ, làm văn thư lang trong Quận nha, mấy ngày trước y có nói với ta, rằng y giúp Thái thú viết xong một thứ, ngay đêm hôm đó thì y bị mất tích. Tiểu nhân biết, mười phần là bị diệt khẩu rồi. Khẩn cầu Dương ngự sử tha cho tiểu nhân một mạng, trong nhà tiểu nhân còn có vợ con.
Dương Nguyên Khánh liếc nhìn qua hắn một lượt, thản nhiên nói:
-Nghe giọng nói của ngươi cũng không phải là người Giang Đô, mà có vẻ giống như giọng nói của người U Châu.
Giả Chính Ý rơi lệ nói:
-Tiểu nhân đúng thực là người quận Nhạn Môn, năm ngoái quận Nhạn Môn trưng bắt ba mươi ngàn dân phu đi xây trường thành. Trên danh sách có tên của tiểu nhân, tiểu nhân bèn đem theo vợ con trốn đến Giang Đô, thu nhận vài tên đệ tử để nuôi sống gia đình.
Dương Nguyên Khánh gật gật đầu:
-Dưới trướng ta quả thật đang thiếu vài chân thư lại, về sau ngươi cứ đi theo ta! Giúp ta sửa sang công văn, đưa cả vợ con ngươi theo, ta nhất định sẽ không bạc đãi ngươi.
Trong lòng Giả Chính Y vui đến phát cuồng, không những nhận được một phần công việc không tệ, lại còn không bị giết người diệt khẩu, điểm này mới là quan trọng nhất.
-Tiểu nhân nguyện dốc sức làm việc cho Dương ngự sử!
Dương Nguyên Khánh lấy ra một tờ giấy, trên đó là nội dung mà hắn muốn viết, đưa cho Giả Chính Ý:
-Cứ dựa theo nét chữ trên mấy bức thư mà ta vừa đưa cho ngươi, viết theo nội dung như thế này, trước buổi sáng ngày mai phải xong, ta cần đến.
Giả Chính Ý vội khom người, nói:
-Xin Dương ngự sử yên tâm, nhất định sẽ xong!
-Về sau ngươi cứ gọi ta là Dương tướng quân được rồi.
-Vâng! Dương tướng quân.
Dương Nguyên Khánh cười cười, nói với Dương Tam Lang:
-Ngươi đưa Giả tiên sinh đi sắp xếp một căn nhà, cần những gì thì cứ cung cấp!
Dương Tam Lam hành lễ một cái, đoạn đưa Giả Chính Ý đi. Dương Nguyên Khánh lại ngưng thần suy nghĩ giây lát, nếu chỉ cần lật đổ Trương Vân Dịch, thì tội giết Vi Đức Dục đã đủ để định tội cho y. Nhưng nếu muốn đụng đến Trương Cẩn, thì như vậy vẫn chưa đủ, nhất định phải xuống tay hạ độc thủ. Bây giờ mọi việc đều đã được chuẩn bị sẵn sàng, chỉ thiếu gió đông (thời cơ) nữa thôi.
Sáng sớm hôm sau, Dương Nguyên Khánh dẫn theo Ti Đãi Đại Phu Tiết Đạo Hành cùng với mấy trăm kỵ binh, nhắm hướng tây nam thành Giang Đô chạy đi. Ở phía tây nam thành Giang Đô, suốt dọc đường đều là những ngọn đồi thấp nhấp nhô, rừng rậm nối liền, một dòng sông nhỏ uốn lượn chảy quanh, cảnh sác hết sức tú lệ. Chạy được chừng mười dặm, liền thấy một tổ hợp kiến trúc chiếm trọn diện tích mấy ngàn mẫu, tường đỏ ngói đen, mái nhà cong vút, khí thế đồ sộ. Đây chính là hành cung lớn nhất của Hoàng đế Đại Tùy ở Giang Nam, Giang Đô Cung, bức tường vây thật dài kéo dài đến gần hai mươi dặm.
Nhưng nơi mà Dương Nguyên Khánh muốn đến lại không phải là Giang Đô Cung, bọn họ cứ đi thẳng theo đường cái quan bên cạnh Cung, tiếp tục tiến về hướng nam. Phía nam, suốt dọc đường đều là đồng ruộng thôn xá, đường cái quan rộng lớn đã biến mất, chỉ còn lại đường ruộng nhỏ hẹp.
Nhưng đoàn người vẫn không dừng vó ngựa, tiếp tục đi tới. Ước chừng đi tiếp được gần hai mươi dặm, phía trước xuất hiện một tòa trang viên, trang viên không lớn, diện tích chừng mấy trăm mẫu. Phía xa xa là một thôn trang nhỏ với khoảng hai mươi mấy hộ dân, là nơi ở của những tá điền làm việc cho trang viên này. Trong trang viên, có một tòa nhà hai tầng màu đen, rộng chừng một mẫu đất, đứng cô độc giữa bãi đất trống, có vẻ có chút quỷ dị.
-Dương ngự sử, chứng ta làm gì ở đây?
Tiết Đạo Hành thắc mắc.
-Nơi này là trang viên của Trương Cẩn, gọi là Ẩn Trang, người ngoài không biết đến. Trong tấu chương của Vi ngự sử có nói đến, ta thấy Vi ngự sử dùng một vòng tròn màu đen để đánh dấu nó, ta cho rằng chắc Vi ngự sử phát hiện được điều gì đó ở thôn trang này. Hơn nữa trong thư mà Trương Cẩn viết cho con trai Trương Vân Dịch cũng có nhắc tới sơn trang này, trong thư nói, hắn phải bảo quản cẩn thận đồ cất trong sơn trang, nếu có gì bất trắc lập tức tiêu hủy.
Dương Nguyên Khánh lấy ra một bức thư của Trương Cẩn đưa cho Tiết Đạo Hành:
-Tiết đại phu tự xem đi! Thứ này lục soát được trong thư phòng của Trương Vân Dịch.
Tiết Đạo Hành xem qua bức thư, đúng là nét chữ của Trương Cẩn mà y đã từng thấy qua, nét rất thô và to, Tiết Đạo Hành cau mày:
-Trương Cẩn dấu gì trong trang viên?
-Lục soát là sẽ biết thôi.
Dương Nguyên Khánh khoát tay:
-Lục soát cho ta!
Mấy trăm kỵ binh xông vào trang viên, bắt đầu lục soát khắp nơi. Tiết Đạo Hành xem qua bên hướng bắc, từ chỗ này thậm chí còn có thể thấp thoáng nhìn thấy đỉnh Phật tháp của Giang Đô Cung, y không khỏi kinh ngạc nói:
-Nơi này cách Giang Đô Cung hơi gần.
-Cách nhau có chừng hai mươi dặm, thật khiến người ta sinh nghi!
Lúc này, một tên kỵ binh tiến tới bẩm báo:
-Khởi bẩm Dương ngự sử, quản gia của trang viên này đã bỏ trốn, căn nhà ở giữa trống không, không có người.
Lời nói vừa dứt, từ xa vọng lại tiếng gọi của binh sỹ:
-Dương Ngự Sử, chúng tôi phát hiện đồ rồi!
Dương Nguyên Khánh và Tiết Đạo Hành giục ngựa tiến về phía căn nhà trống, chỉ thấy cửa nhà mở toang, đám binh sỹ đang khiêng lên từng chiếc hòm gỗ lớn từ dưới hầm, chất đầy trong sân. Ước chừng có hai mươi chiếc hòm, trên góc phải của các hòm gỗ đều viết hai chữ "Trương phủ".
-Phá mở hòm!
Một câu lệnh của Dương Nguyên Khánh được đưa xuống, các binh sỹ bèn ào tới phá hòm,"rầm", một tiếng kim loại vang lên, từ một chiếc hòm lớn đổ ra hơn trăm món binh khí, có đao, mâu, và quân nỏ.
-Bên này cũng là binh khí!
-Bên này cũng thế!
Các binh sỹ nhao nhao kêu lên, trong hai mươi chiếc hòm đều là những thứ binh khí bị cấm. Các binh sỹ đếm qua từng món một, biên kê lại, riêng quân nỏ đã có hơn năm trăm cái, tổng cộng có ba ngàn món binh khí.
Dương Nguyên Khánh hít vào một ngụm khí lạnh, nói với Tiết Đạo Hành:
-Tiết đại phu, không ngờ Trương Cẩn lại tàng trữ binh khí bên cạnh Giang Đô Cung, bụng dạ thật khó lường!
Tiết Đạo Hành có chút sợ hãi, hắn chần chừ nói:
-Tuy là có cất dấu binh khí, nhưng chúng ta lại không điều tra được Trương gia có nuôi dưỡng tư binh, vậy nhiều binh khí thế này cho ai dùng?
Dương Nguyên Khánh liếc y một cái, lạnh lùng nói:
-Xem ra Tiết đại phu quên nhanh nhỉ, hai hãng thuyền nuôi hai ngàn năm trăm công nhân, đây không phải tư binh thì là gì?
Tiết Đạo Hành thối lui một bước, trong mắt lộ vẻ sợ hãi, y ý thức được một khi bản tấu chương này được trình lên thì hậu quả sẽ như thế nào? Một khi Hoàng đế tin vào nó, thì sẽ là tội chém đầu cả nhà, việc này thật quá nghiêm trọng.
-Tiết đại phu, theo như ước định của chúng ta, thì tấu chương sẽ do ngươi viết, ta cho ngươi toàn bộ chứng cứ, và cả nhân chứng nữa.
Dương Nguyên Khánh nhìn y chăm chú, nói.
Tiết Đạo Hành chột dạ, hắn nuốt một ngụm nước miếng, nói:
-Dương ngự sử, việc này hệ trọng, nếu chỉ một mình ta viết, e rằng không đủ sức thuyết phục. Chi bằng để Ngự sử đài và Ti đãi đài cùng viết, coi như Ngự sử và Ti đãi liên kết điều tra buộc tội, Dương ngự sử thấy sao.
Dương Nguyên Khánh gật đầu:
-Vậy cứ thế mà làm!
Một tháng sau, báo cáo điều tra buộc tội do Ngự sử đại phu Dương Nguyên Khánh và Ti đãi đại phu Tiết Đạo Hành cùng viết được gửi tới kinh thành. Buộc tội Tả kiêu vệ tướng quân Trương Cẩn tàng trữ binh khí ở gần Giang Đô Cung, lại còn lợi dụng hãng thuyền nuôi dưỡng một ngàn năm trăm tư binh. Giang Đô thái thú Trương Vân Dịch ám sát Ngự sử Vi Đức Dục để che dấu hành vi phạm tội, nhân chứng vật chứng đầy đủ, Trương Vân Dịch đã lăn tay nhận tội, tuy nhiên Trương Vân Dịch trên dọc đường sợ tội đã tự sát.
Bản tấu chương này tạo nên một cơn sóng gió trong triều, Hoàng đế Dương Quảng nổi giận lôi đình, mặc kệ Trương Cẩn luôn miệng kêu oan, hạ chỉ dùng trượng hình đánh chết Trương Cẩn trước Ngọ Môn. Hơn năm trăm gia quyến và nô dịch trong nhà, đưa cả đến Lĩnh Nam sung quân. Số người bị liên quan trong của các chi phòng nhà họ Trương lên đến con số mười ngàn người. Vụ án lớn xảy ra vào cuối năm Đại Nghiệp thứ tư này trở thành vụ án lớn nhất trong năm, kinh động vương triều Đại Tùy.
Hai ngày sau khi Trương Cẩn bị trượng hình đánh chết, cả nhà chém đầu, Hoàng đế Dương Quảng hạ tiếp đạo chỉ dụ thứ hai, sắc phong Tả kiêu vệ tướng quân Dương Nguyên Khánh làm Tả kiêu vệ Đại tướng quân, Ngũ Nguyên quận công.