Con biết. Nương cất trong tủ quần áo, là song phượng trâm. Đó là vật đính ước mà cha tặng nương phải không?
Dương Băng gối đầu lên đùi mẫu thân, miệng nở nụ cười, ánh mắt tỏ ra khao khát, chờ đợi được nghe chuyện xưa.
- Nói bậy! Khi đó ta mới mười tuổi, cha con cũng mới mười tuổi, biết cái gì mà đính ước. Vốn là cha con đã đồng ý tặng cho ta một cái trâm vàng, kết quả là cầm một cái trâm đồng đến lừa gạt ta.
Dương Băng thấp giọng nói:
- Thế nhưng mẹ lại giữ trong lòng, xem nó trân quý hơn vàng, không phải sao?
Xuất Trần nhẹ nhàng vuốt ve gương mặt nhi nữ, trong lòng tràn đầy trìu mến. Nhi nữ đã trưởng thành, đã bắt đầu hiểu chuyện.
Dương Phương Hinh trở về phòng mình, nàng vẫn ở chung với tộc tỷ Giang Bội Hoa. Giang Bội Hoa đã mang thai được bảy tháng, hôm nay đi ngủ sớm nên không biết chuyện vừa xảy ra.
Vừa vào cửa, tiểu nha hoàn Ngọc nhi đã tiến lên đón:
- Cô nương đã về.
- Ừ! Thực có chút mệt mỏi.
Dương Phương Hinh cởi áo ngoài đưa cho nàng:
- Ta muốn rửa mặt nghỉ ngơi một chút, có chuyện gì thì để mai hẵng nói.
Ngọc nhi nhận lấy y phục, thấp giọng oán giận nói:
- Ra ngoài dạo chơi cũng không dẫn ta theo.
- Ngươi cái nha đầu chết tiệt kia, còn nói ta không mang ngươi theo? Thời điểm ta ra ngoài, ngươi chạy đi đâu?
Ngọc nhi gãi đầu cười nói:
- Thật ra ta cũng ra ngoài chơi, cũng mới trở về.
- Ta biết, ngươi là con mèo ba chân làm sao chịu ngồi yên một chỗ, khẳng định là cũng chạy ra ngoài.
Lúc này,"Leng keng!", một cái trâm đồng từ trong áo rơi xuống mặt đất. Ngọc nhi cúi xuống nhặt, hai mắt sáng lên:
- Trâm đồng song phượng thật tinh xảo, cô nương, cho ta đi!
Dương Phương Hinh cuống quít chạy đến đoạt lại:
- Không thể cho ngươi, đây là vật Băng nhi cho ta.
- Nhưng đây là trâm đồng, không đáng tiền, không xứng với thân phận của ngươi.
- Ai cần ngươi lo, còn không nhanh đi chuẩn bị nước nóng.
Ngọc nhi đi ra ngoài, Dương Phương Hinh mới giơ trâm đồng lên ngắm nhìn một lát, sau đó cúi đầu thở dài. Lúc nào mới có người tặng cho mình một cây trâm đồng như vậy đây?
Tết Trung Nguyên vẫn tiếp tục diễn ra trên đường Tấn Dương và sông Tấn Dương, nhưng một số con đường nhỏ ở phía tây thành lại hết sức yên tĩnh. Tuy các nhà cũng treo hoa đăng, bồn vu lan trước cửa nhưng người đi đường rất thưa thớt, hầu hết người dân thành Thái Nguyên đều chạy đến con đường chính và bờ sông.
Lúc này, một chiếc xe ngựa từ xa đi đến, phía sau là hơn chục tên tùy tùng. Xe ngựa tiến đến trước một tòa nhà lớn thì dừng lại. Trên đèn lồng treo trước cửa lớn viết hai chữ "Đỗ phủ", đây chính là phủ đệ của Đỗ Như Hối.
Một gã tùy tùng tiến lên bậc thềm gọi cửa. Một gương mặt già nua hiện ra bên cửa sổ xe ngựa, chính là thủ tịch Tướng quốc triều Tùy, Tô Uy.
Tuổi tác Tô Uy đã cao, ít tham gia chính vụ. Sự tồn tại của lão chủ yếu là để tượng trưng cho sự kéo dài của Đại Tùy.
Dương Nguyên Khánh cực kỳ coi trọng vị danh thần khai quốc của Đại Tùy này. Mặc dù lão không đức cao vọng trọng bằng Cao Quýnh, khuyết điểm cũng không ít, nhưng sự tồn tại của lão có tác dụng ổn định triều đình, về mặt này, không ai có thể so với Tô Uy.
Tô Uy đến tìm Đỗ Như Hối là có việc quan trọng.
Chỉ chốc lát, cửa lớn của Đỗ phủ mở ra, Đỗ Như Hối đích thân ra ngoài tiếp đón. Thật ra chủ nhà cũng không cần phải ra tận cửa đón khách, thường phái thế hệ con cháu hoặc huynh đệ gì đó ra cửa đón chào là được rồi. Nhưng Đỗ Như Hối biết, Tô Uy này rất kiêu ngạo, thường hay để ý các loại nghi lễ như thế này, mình ra tận cửa nghênh tiếp, lão cảm thấy thoải mái nhiều lắm.
Tô Uy thấy Đỗ Như Hối tự mình ra khỏi cửa thì cười híp mắt. Quả nhiên là Đỗ Như Hối rất kính trọng mình. Lão từ trong xe ngựa bước ra, Đỗ Như Hối hoảng hốt tiến lên phía trước đỡ lấy lão:
- Lão Tướng quốc cẩn thận!
- Ha ha! Làm phiền Đỗ Tướng quốc quá.
Đỗ Uy xuống khỏi xe ngựa, đứng thẳng lưng, cười tủm tỉm:
- Hôm nay đã quấy rối sự nghỉ ngơi của Đỗ Tướng quốc rồi.
- Không có! Không có! Đúng ra là vãn bối phải đến quý phủ mới phải.
Tô Uy gật đầu:
- Chúng ta vào nhà rồi nói!
- Tô Tướng quốc, mời!
Đỗ Như Hối đi trước dẫn đường, đưa Tô Uy tới thư phòng của mình. Hai người vừa bước vào phòng, Tô Uy thấy ngọn đèn dầu trong phòng sáng ngời, lưu hương ở góc phòng phả ra khói xanh lượn lờ, trên bàn để một quyển tấu chương, hình như mới viết được một nửa.
Hai người phân chủ khách ngồi xuống, một thị nữ dâng trà lên, Tô Uy chỉ vào bàn hỏi:
- Đỗ Tướng quốc còn đang viết tấu chương sao?
Đỗ Như Hối gật đầu, thở dài nói:
- Lương thực của triều đình không đủ, hiện tại còn đánh hạ Trung Nguyên, còn cần chi một lượng lớn tiền lương. An trí dân chúng, nói thật, ta thật sự buồn bực, không có lương thực, có giỏi mấy cũng thế, không bột đố gột nên hồ, người đàn bà khéo cũng không thể thổi cơm khi không có gạo!
Trên danh nghĩa thì Tô Uy đứng đầu năm Tướng quốc, nhưng Đỗ Như Hối đảm nhiệm Thượng Thư Tả Phó Xạ, nắm quyền chi tiêu trong triều đình. Chi phí tiền lương của triều đình cũng do một tay y chịu trách nhiệm xét duyệt, áp lực quả thật rất lớn.
Lần này Dương Nguyên Khánh đánh Trung Nguyên, mặc dù Đỗ Như Hối không phải là người phản đối, nhưng y cũng không ủng hộ, giữ vững trung lập. Hiện tại y cực kỳ buồn phiền vì vấn đề lương thực.
Tô Uy hiểu được chỗ khó xử của Đỗ Như Hối, lão cũng cười nói:
- Nửa năm sau chuyện Hà Bắc, vốn tưởng rằng có thể nghỉ lấy hơi nhưng chuyện Trung Nguyên lại đến, hết lần này tới lần khác lương thực thiếu hụt, chỗ khó xử của Đỗ Tướng ta có thể hiểu được.
Hai người đều cười khổ, oán hận ôm oán hận. Nhưng nói về đại cục, cướp đoạt Trung Nguyên thành công đúng là đáng để ăn mừng. Tô Uy lại nói:
- Cướp đoạt Trung Nguyên, mặc dù cuộc sống có eo hẹp đi một chút, nhưng chỉ cần tiết kiệm là được, vẫn có thể vượt qua cửa ải khó khăn này. Nhưng chiến lược cướp lấy Trung Nguyên thì không phải là chuyện đùa, đây chính là chúng ta đã cướp được điểm then chốt của thiên hạ.
Đỗ Như Hối gật đầu:
- Cái này ta cũng biết, điện hạ cướp đoạt Trung Nguyên là đại sự khiến trên dưới triều đình đều cực kỳ phấn chấn. Nghe nói chiến lợi phẩm thu được có không ít lương thực, cộng dồn lại đến hơn ba trăm ngàn thạch lương thực, chí ít cũng có thể ứng phó Trung Nguyên trong nửa năm, còn quân đội có thể độn điền (tham gia làm ruộng), có thể rút ngắn mùa vụ. Ta nghĩ có thể vượt qua cái cửa ải khó khăn này.
Dĩ nhiên là Đỗ Như Hối biết, trễ thế này Tô Uy còn đến tìm mình, tất nhiên không chỉ đơn giản là để tâm sự chuyện lương thực, chắc chắn là đến vì đại sự. Trầm ngâm một chút, Đỗ Như Hối liền hỏi thử:
- Hình như Tô Tướng đang có chuyện gì đó?
- Đương nhiên, vô sự bất đăng môn mà!
Tô Uy cười thần bí, nhấp một ngụm trà, không chút hoang mang nói:
- Thật ra ta lo lắng một việc, chính là tước vị của Sở Vương Điện hạ. Lần này chiến dịch Trung Nguyên kết thúc, ta nghĩ thời cơ đã chín muồi rồi.
Đỗ Như Hối không nói gì, cúi đầu uống chén trà, nghe Tô Uy nói tiếp. Tô Uy thấy vẻ mặt Đỗ Như Hối bình thản, trong lòng nao nao, lại nói:
- Thật ra sau khi chiến dịch Hà Bắc kết thúc, ta đã nghĩ đến chuyện này, ta cũng đã nói qua với Sở Vương nhưng ngài cũng không bày tỏ thái độ. Sở dĩ sau khi kết thúc chiến dịch Hà Bắc, việc này không được giải quyết, theo ta thì là vì Sở Vương nghĩ lúc đó thời cơ chưa chín. Nhưng hiện tại, chiến dịch Trung Nguyên đã kết thúc, chúng ta chiếm được thượng phong, cho dù là uy vọng hay công tích thì Sở Vương cũng đã đạt đến tầm cao mới. Ta nghĩ thời cơ đã đến, cho nên hôm nay mới tới tìm Đỗ Tướng quốc.
Nói đến đây, ánh mắt Tô Uy đầy ẩn ý nhìn thoáng qua Đỗ Như Hối, ánh mắt như dò hỏi: "ngươi nghĩ sao?"
Đỗ Như Hối vẫn trầm tư như cũ. Chuyện này thì y cũng từng nghĩ qua, có điều là không suy nghĩ chín chắn. Theo như y thấy thì điều kiện còn thiếu chút xíu, vẫn chưa có cảm giác nước chảy thành sông. Mấu chốt là chưa lấy được Lạc Dương và Trường An thì đế vương khí vẫn còn chưa hoàn toàn ngưng tụ.
Đỗ Như Hối thở dài nói:
- Tâm tư của Tô Tướng quốc ta hiểu được, thật ra thì trong triều cũng có không ít người đề cập tới chuyện này, nói Sở Vương đăng cơ là vì mục đích chung, nhưng ta nghĩ quyền quyết định cuối cùng vẫn là ở Sở Vương Điện hạ. Tô Tướng quốc không cảm thấy trong chuyện này, Điện hạ cũng không nóng lòng hay sao?
Tô Uy sửng sốt:
- Vì sao Đỗ Tướng quốc lại nói lời này? Vì sao nói Điện hạ không nóng lòng?
Đỗ Như Hối chậm rãi nói:
- Thật ra ta cũng rất chú ý đến suy nghĩ của Sở Vương Điện hạ. Nếu ngài thật sự có ý định đăng cơ, vậy thì nhất định phải đánh hạ Lạc Dương, dời đô thành về phía nam. Dù sao Thái Nguyên cũng chỉ là thủ đô thứ hai, không có Lạc Dương thì không thể danh chính ngôn thuận. Nhưng mà Điện hạ lại không có ý định đánh hạ Lạc Dương, có thể Điện hạ chỉ là vì chiến lược, nhưng ta nghĩ, bất cứ cái chiến lược nào cũng không thể so với nguyện vọng đăng cơ của Điện hạ. Chỉ có thể nói ý đồ đăng cơ của điện hạ cũng không quá mãnh liệt.
Tô Uy cũng lâm vào trầm tư. Lão phải thừa nhận là Đỗ Như Hối nói rất có lý, nếu như Sở Vương thật sự muốn đăng cơ, vậy thì tất nhiên phải đánh chiếm Lạc Dương, nhưng Sở Vương lại không có cái ý này.
- Có điều, nếu chỉ vì Sở Vương Điện hạ không đánh hạ Lạc Dương mà nói rằng ngài không có ý định đăng cơ, ta cảm thấy còn có chút cảm tính. Đỗ Tướng, hẳn là chúng ta nên tìm Sở Vương Điện hạ xác nhận chuyện này.